Với cảnh quan sinh thái hữu tình, con người thật thà, thân thiện và mến khách cùng bao điều thú vị khác nên những năm qua Hậu Giang đã níu lòng, níu chân du khách về đây. Điều này dễ dàng nhận thấy qua các dịp lễ hội gần đây do địa phương tổ chức, từ Festival Áo bà ba, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến giải marathon quốc tế… đã thu hút đông đảo du khách tìm về.
Festival Áo bà ba do tỉnh Hậu Giang tổ chức đã tạo ấn tượng sâu đậm với du khách
Chỉ tính riêng Giải Marathon quốc tế, ở mỗi lần tổ chức về sau số người tham dự ngày một đông thêm. Ở lần đầu tiên vào năm 2019, Giải thu hút hơn 4.200 vận động viên tham gia; năm 2020 tăng lên hơn 7.200 vận động viên tham gia; năm 2021, giải bị gián đoạn do dịch Covid-19; năm 2022 có hơn 8.500 vận động viên tham gia. Năm 2023, có hơn 9.000 vận động viên tham gia. Riêng trong mùa giải năm nay, có hơn 10.800 vận động viên tham gia, trong đó có các vận động viên quốc tế đến từ các quốc gia: Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...
Với làng quê tươi đẹp, trù phú, sản vật gần gũi, thân quen, gợi nhớ, người dân hiếu khách, thân thiện, nghĩa tình nên Hậu Giang đã níu lòng người khi một lần đến: "Đi càng nhớ, ở lại càng thương". Năm ngoái, khi địa phương này tổ chức sự kiện văn hóa đặc biệt hướng đến 20 năm thành lập tỉnh là Festival Áo bà ba, Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam đã về tham dự sự kiện ấn tượng này. Ngài Saadi Salama đã thích thú mặc áo bà ba như người bản xứ và dành nhiều tình cảm cho đất và người Hậu Giang.
Lúc đó Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam đã chia sẻ: “Những thành tựu mà Hậu Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua là đáng mừng. Hậu Giang là một tỉnh nằm ở Nam bộ, mà Nam bộ luôn luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Việt Nam mà thậm chí đến người nước ngoài. Cho nên bên cạnh việc phát triển quan hệ thương mại, đầu tư với các tỉnh khác, với các quốc gia khác; Hậu Giang cần phải đi song song với việc quảng bá cho những đặc trưng văn hóa, ẩm thực của địa phương. Tôi tin rằng Hậu Giang sẽ thu hút thêm sự quan tâm của những người Việt Nam ở các tỉnh khác và những người nước ngoài đến tỉnh Hậu Giang”.
Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam rất vui khi được mặc áo bà ba trình diễn tại lễ khai mạc Festival Áo bà ba ở Hậu Giang
Đưa du lịch trở thành trụ cột
Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang định hướng phát triển với 4 trụ cột, gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Với trụ cột du lịch, thời gian qua, ngành du lịch và các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp phát triển các khu, điểm du lịch; quan tâm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, qua đó góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất và con người Hậu Giang, thu hút nhiều khách tham quan, góp phần phục hồi du lịch của tỉnh sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể như ở huyện Châu Thành A, địa phương cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua bên cạnh xây dựng các sản phẩm đặc trưng độc đáo của địa phương; tăng cường hoạt động quảng bá du lịch huyện trên nền tảng số; chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; huyện còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các gói vay và hỗ trợ theo Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh dành cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Vườn tre Tư Sang, một điểm du lịch sinh thái ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ngoài Công viên giải trí Kittyd & Minnied, hiện huyện Châu Thành A còn có các điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng khác như: Di tích Chiến thắng Tầm Vu, trang trại sữa dê Ngọc Đào, homestay Mương Đình, chùa Trường Pháp, khu sinh thái Vườn măng cụt trăm tuổi,… Các điểm đến này đã làm cho bức tranh du lịch huyện Châu Thành A trở nên đa dạng, nhiều màu sắc. Trong đó, điểm nhấn là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, tâm linh, vui chơi giải trí gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn của địa phương. Trong năm ngoái, Châu Thành A đón gần 83 ngàn lượt khách tham quan, với tổng doanh thu đạt gần 54 tỷ đồng. Riêng trong năm nay, huyện đón gần 125.700 khách đến tham quan, với tổng doanh thu gần 79 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phong Minh - Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Huyện tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, xây dựng sản phẩm mới chất lượng tập trung gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, hoàn thiện và đưa vào hoạt động điểm du lịch cộng đồng tại trung tâm của huyện, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút du khách đến với huyện”.
Những năm gần đây Hậu Giang đã bắt đầu thu hút đông khách du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh có có 33 điểm du lịch, trong đó có 7 điểm du lịch di tích và 166 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn tiện ích. Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, trong 3 năm qua du lịch của Hậu Giang đã có bước phát triển mới, với doanh thu vượt 200 tỷ đồng mỗi năm. Riêng trong năm nay, tỉnh đã đón hơn 550.000 lượt khách, với tổng doanh thu đạt hơn 240 tỷ đồng. Nếu so với các tỉnh có xuất phát tốt thì Hậu Giang không bằng, nhưng so với thực tế của Hậu Giang thì ngành du lịch đã có sự khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp 3 trụ cột còn lại là công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì ngành sẽ tiếp tục tìm những giải pháp tối ưu để đưa ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Các dịch vụ, cơ sở lưu trú thì tới đây chúng tôi sẽ có củng cố lại triển khai thực hiện cho tốt, nhất là 2 sản phẩm du lịch quan trọng của tỉnh mà Nghị quyết 04 đã đề ra. Thứ nhất là du lịch Xà No với khóm Cầu Đúc; thứ hai là Lung Ngọc Hoàng với chợ nổi Ngã Bảy thì chúng tôi đang tham mưu với UBND tỉnh để tiếp tục triển khai thực hiện cho tốt, đúng với qui định, đang làm các thủ tục quy trình để khai thác tiếp du lịch đường sông Xà No. Tại Lung Ngọc Hoàng thì đã có nhà đầu tư tiếp cận. Nếu phát huy được các điểm du lịch này, nhất là khu vực Lung Ngọc Hoàng thì du lịch Hậu Giang sẽ phát triển tốt”.
Hậu Giang kỳ vọng Lung Ngọc Hoàng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh thời gian tới
Thời gian qua, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GRDP) trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu trong năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm 2022, tiếp tục dẫn đầu khu vực ĐBSCL và xếp thứ 2 cả nước thì trong năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,76%, vượt kế hoạch đề ra, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ hạng cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đã đạt 93 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 12% so với năm ngoái…
Hậu Giang đang trở thành “điểm sáng” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. "Điểm sáng" này kỳ vọng sẽ sáng hơn khi các tuyến đường cao tốc đi qua Hậu Giang hoàn thành, mở ra cho tỉnh nhiều cơ hội để phát triển ở các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Lúc đó Hậu Giang không chỉ thiết tha mời gọi du khách mà còn chào đón các nhà đầu tư tìm về như lời một bài hát của cố nhạc sĩ Sơn Hà “Về Hậu Giang nhé em!”
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL