Du lịch từ những cây cầu

Du lịch từ những cây cầu
7 giờ trướcBài gốc
Dạo bộ ven sông Hương và check-in cầu Nguyễn Hoàng được người dân yêu thích
Hấp dẫn bởi cây cầu được thiết kế đẹp, gần gũi với hiệu ứng kiến trúc, ánh sáng về đêm tạo nên vẻ đẹp yêu kiều, lung linh và rất Huế. Huế từ tên cầu mang tên Nguyễn Hoàng - vị chúa đầu tiên của Triều Nguyễn đặt chân mở cõi xứ Thuận Hóa - Phú Xuân ở Đàng Trong từ thế kỷ XVI. Huế từ ý tưởng thiết kế một cây cầu mảnh mai, yêu kiều như một cánh hạc hòa vào sông Huế, vườn Huế, con người Huế vốn nhỏ nhẹ, nhu mì. Và ngay cả những tranh luận, phản biện về tính thẩm mỹ, mức độ an toàn đối với hệ thống đèn lọng độc lạ trên cầu hay những nghi vấn về ý tưởng thiết kế, với những tiếp nhận, chia sẻ, trao đổi nhiều chiều, một góc độ nào đó về truyền thông, cũng góp phần tạo nên sự chú ý của công chúng.
Chưa có và cũng khó có thống kê chi tiết từ ngày thông xe đến nay, cầu Nguyễn Hoàng đã góp phần thu hút bao nhiêu du khách đến Huế. Chỉ biết, có những người, như những người thân của tôi từ Đắk Lắk, khi về quê, đã đáp xe lên check-in cầu Nguyễn Hoàng. Niềm hạnh phúc thơ trẻ cùng những bức ảnh lung linh, yêu kiều của cây cầu cũng được lan tỏa với thông điệp gây “trend”: Đã đến Huế là phải đến cầu Nguyễn Hoàng.
Cầu Trường Tiền gắn với lịch sử, văn hóa Huế trên 120 năm
Cho đến gần đây, đi bộ trên con đường ven sông Hương để lên thủ phủ Kim Long xưa, được ngắm hình hài cây cầu thấp thoáng, ẩn hiện giữa cỏ cây sông nước của Huế, tôi đã hiểu vì sao hàng đêm, có rất nhiều du khách và người dân đã đến đây. Cùng với sự tấp nập người ngắm cảnh, check-in, không chỉ hình ảnh mới của Huế từ cây cầu được lan tỏa, mà những dịch vụ liên quan cũng có cơ hội chuyển mình. Như một quán nước mía và sinh tố ven đường Kim Long của một đôi vợ chồng trẻ vừa khai trương, “ăn theo” sự nổi tiếng của cây cầu, đã rất đông khách. Và có lẽ vui nhất là những tay máy hành nghề chụp ảnh, trở nên đắt khách hơn với dịch vụ chụp hình ở đây.
Nhân chuyện cây cầu Nguyễn Hoàng, chợt nghĩ, Huế hoàn toàn có thể xây dựng một tour du lịch gắn với những cây cầu trên sông Hương. Với cầu Trường Tiền, cây cầu cổ gắn với lịch sử, văn hóa Huế trên 120 năm, được khởi công dưới thời vua Thành Thái. Qua thời gian, chiến tranh, thiên tai, cây cầu duyên dáng là biểu tượng của Cố đô Huế đã trở thành nhân chứng lịch sử ẩn chứa trong nó những câu chuyện kể, vốn là linh hồn tạo nên sức hút của những điểm đến du lịch.
Tháp nước Dã Viên ở vị trí đắc địa giữa dòng sông Hương là điểm dừng chân thú vị cho du khách
Hay với cầu Bạch Hổ - cây cầu đường sắt đặc biệt có tuổi đời hơn một thế kỷ của Huế, cũng trở nên nổi tiếng sau khi được chọn làm bối cảnh trong những bộ phim ăn khách của Việt Nam như Mắt Biếc, Gái Già lắm chiêu, được giới trẻ săn lùng với nhiều góc check-in sống ảo thần thánh dành cho các tín đồ du lịch. Đặc biệt, tháp nước Dã Viên đồ sộ, soi bóng xuống dòng sông Hương tạo thành một góc rất riêng của Huế, làm nên một điểm nhấn của cầu đường sắt Bạch Hổ khi nhìn từ xa.
Và còn nhiều cây cầu khác như cầu Tuần, bắc qua dòng Hương phía thượng nguồn. Rồi cầu Dã Viên, cầu Phú Xuân, cầu Phú Lưu ở hạ du, nối vào ốc đảo Cồn Hến… Mỗi cây cầu đều có những cuộc đời riêng, những điểm nhấn riêng gắn với cảnh quan sông Hương mà nếu được chú ý đầu tư, khai thác, chắc chắn sẽ tạo dựng được các tour du lịch thú vị. Như hành trình đi bộ ven sông Hương ngắm và săn ảnh những cây cầu về chiều và khi thành phố lên đèn; hay du thuyền trên sông để hóng mát và hòa vào sự huyền hoặc của sông Hương về đêm với điểm nhấn của những cây cầu...
Tất cả đều là sự gợi mở về một trong những tiềm năng du lịch bao la gắn với không gian sông nước, vốn là đặc sản, đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế.
Kim Oanh
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/du-lich/du-lich-tu-nhung-cay-cau-152465.html