Việt Nam ghi dấu ấn tại hội nghị du lịch châu Á - Thái Bình Dương, sẵn sàng đồng hành vì tăng trưởng bền vững - Ảnh: BVHTTDL
Một lần nữa Việt Nam ghi dấu ấn là một trong những quốc gia tích cực và có vai trò nổi bật khi tham dự Hội nghị Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 56 và Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Nam Á lần thứ 37. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam, cùng với đại diện các quốc gia thành viên, lãnh đạo UN Tourism và đối tác quốc tế như Traveloka, Amadeus, ForwardKeys, JATA...
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Widiyanti Putri Wardhana nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của du lịch trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Bà kêu gọi các quốc gia thành viên chia sẻ sáng kiến, mô hình phát triển hiệu quả, nhằm định hình tương lai du lịch khu vực trên nền tảng bền vững và sáng tạo.
Các hội nghị lần này không chỉ nhìn lại kết quả phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, mà còn thảo luận về chiến lược dài hạn, bầu chọn nhân sự chủ chốt cho các cơ quan thuộc UN Tourism, thúc đẩy hợp tác đa phương và đề xuất sáng kiến phát triển du lịch khu vực trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương, đoàn Việt Nam cùng các nước đã thảo luận và thống nhất đề cử nhân sự cho các vị trí chủ chốt trình Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26. Trong đó có các vị trí: Phó Chủ tịch Đại hội đồng (Philippines), Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2025 - 2027 (Philippines, Nhật Bản, Fiji), cùng thành viên Ủy ban Chứng thư (Lào), Ủy ban Đào tạo trực tuyến (Hàn Quốc) và Ủy ban Bộ Quy tắc quốc tế về bảo vệ khách du lịch (Indonesia).
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Việt Nam, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch theo hướng bền vững, thông qua chính sách thị thực linh hoạt, xúc tiến quảng bá mạnh mẽ và không ngừng làm mới sản phẩm du lịch.
Ông nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng Hỗ trợ UN Tourism khu vực tại Nhật Bản cũng như các đối tác liên kết, nhằm tổ chức nhiều chương trình hợp tác thiết thực trong thời gian tới.
Báo cáo của UN Tourism tại hội nghị cho thấy, lượng khách quốc tế toàn cầu năm 2024 ước đạt 1,4 tỷ lượt, tiệm cận mức kỷ lục năm 2019 trước đại dịch. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận tỷ lệ phục hồi đạt 87%, trong đó Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi chạm mốc 98% — một trong những mức cao nhất khu vực.
Dự báo năm 2025, ngành du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3-5%, dù vẫn còn nhiều thách thức như thiếu hụt nhân lực, chi phí vận chuyển gia tăng, biến động kinh tế và cạnh tranh giữa các điểm đến.
UN Tourism đã khuyến nghị các quốc gia ưu tiên chuyển đổi số, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, phát triển du lịch xanh, nâng cao năng lực nhân sự và hạ tầng, xem đây là chìa khóa đảm bảo sức bật cho ngành du lịch trong giai đoạn mới.
Tiếp tục khẳng định vị thế, ngày 16/4, đại diện Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Khu vực của UN Tourism với chủ đề “Chính sách du lịch trong kinh tế tuần hoàn” — nơi sẽ tập trung thảo luận về các mô hình phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và tuần hoàn tài nguyên.
Việc Việt Nam có mặt tại các diễn đàn cấp cao, đồng hành cùng những bước chuyển của ngành du lịch thế giới không chỉ cho thấy sự chủ động hội nhập, mà còn khẳng định tầm vóc, uy tín ngày một lớn của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Kiều Anh