Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới: Bài cuối: Trở thành điểm đến quốc tế hấp dẫn, tại sao không?

Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới: Bài cuối: Trở thành điểm đến quốc tế hấp dẫn, tại sao không?
7 giờ trướcBài gốc
Khu thành phố không ngủ (Grand World) của Vinpearl được du khách trải nghiệm nhiều mỗi lần đến với Phú Quốc.
Từ "miệt vườn bình dị" đến trải nghiệm tầm khu vực
Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thương hiệu vùng cho ĐBSCL: “Mekong Water World” (Thế giới sông nước). Thông điệp vừa mô tả địa hình đặc trưng, vừa truyền tải được đặc thù sống động của vùng đất - nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên và nền văn hóa giao thoa đặc sắc giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.
Chiến lược phát triển du lịch vùng đến năm 2030 không đơn thuần là bản quy hoạch, mà là một tầm nhìn có chiều sâu: xây dựng ĐBSCL thành điểm đến sinh thái hàng đầu Đông Nam Á. Sau sáp nhập địa giới hành chính, khu vực này đang định hình lại chính mình - từ một vùng sản xuất đơn thuần thành một bản hòa ca đầy màu sắc giữa con người, thiên nhiên và văn hóa bản địa. Hiện ba trụ cột chính là nông nghiệp - nông thôn thông minh, du lịch sinh thái rừng biển bền vững và du lịch văn hóa - tâm linh làm nền móng sẽ tạo ra một bức tranh du lịch đa sắc màu, phong phú và giàu tiềm năng.
Trong các tọa đàm, hội thảo bàn về vai trò địa phương, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các địa phương phải xác định rõ, không phải tỉnh nào cũng cần phát triển dàn đều về mọi loại hình du lịch. Vấn đề cốt lõi là phân vai rõ ràng: với văn hóa lễ hội như An Giang, với lễ viếng miếu Bà Chúa Xứ, Đua bò Bảy Núi…; TP Cần Thơ với nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào Khmer như Đua ghe Ngo, lễ hội Ok Om Bok, Cúng trăng…; hay tỉnh Cà Mau với thế mạnh về rừng ngập mặn, tạo các tour tuyến trải nghiệm xuyên rừng; tỉnh An Giang với thế mạnh biển đảo, trải nghiệm các đảo Hòn Sơn, Hòn Nghệ, Nam Du, đặc biệt là Đảo ngọc Phú Quốc… Mỗi địa phương trở thành một nốt nhạc riêng biệt trong bản giao hưởng của toàn vùng, để du khách về với miền Tây không bị nhàm chán, đi rồi vẫn muốn quay trở lại.
“ĐBSCL cần một thương hiệu vượt qua hình ảnh “miệt vườn bình dị” để bước lên đẳng cấp trải nghiệm sinh thái - văn hóa tầm khu vực. Không chỉ bán cảnh, mà phải bán được cảm xúc và câu chuyện bản sắc” - TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, nói.
Bệ phóng cho hành trình ra thế giới
Giới chuyên gia đã nhiều lần khuyến cáo: các sản phẩm du lịch ở các địa phương nếu chỉ gói gọn trong ranh giới hành chính thì khó lòng tạo ra đột phá. Vì vậy, việc liên kết vùng và phân vai rõ ràng là vấn đề sống còn của du lịch vùng ĐBSCL. Việc các địa phương vừa sáp nhập sẽ bổ trợ tài nguyên cho nhau, tạo ra hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Việc còn lại là các địa phương sớm ngồi lại với nhau và phân chia để phát huy thế mạnh.
An Giang có Phú Quốc. Nơi đây đang bước vào cuộc chạy đua chiến lược chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2027. Không chỉ xây dựng sân bay quốc tế với công suất và công nghệ hiện đại, chính quyền địa phương còn gấp rút triển khai các công trình như trung tâm hội nghị, đại lộ APEC, khu đô thị sinh thái ven biển và trung tâm báo chí hiện đại…
Tại các hội thảo, tọa đàm về du lịch gần đây ở vùng ĐBSCL và TPHCM, các chuyên gia đều chỉ rõ: vùng ĐBSCL cần phối hợp và đẩy mạnh 3 yếu tố làm đòn bẩy để đưa du lịch vùng phát triển mạnh mẽ, đó là “Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng”. Cụ thể, đối với Nhà nước, cần có chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho du lịch xanh - như miễn, giảm thuế môi trường cho các doanh nghiệp đến hỗ trợ hạ tầng sinh thái. Sớm thành lập một trung tâm điều phối vùng đặt tại TP Cần Thơ, đóng vai trò như một “nhạc trưởng” đủ quyền lực để điều tiết, dẫn dắt toàn vùng.
Về phía doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng đang có tham vọng đầu tư và hình thành các khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường, cảng du thuyền hiện đại đưa du lịch ĐBSCL ra các hội chợ quốc tế, kết nối tour liên quốc gia với các nước láng giềng để tạo hành lang du lịch xuyên biên giới.
Riêng với cộng đồng dân cư, vai trò không chỉ dừng lại ở việc phục vụ. Người dân bản địa phải trở thành chủ thể chính để dẫn dắt câu chuyện homestay, văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống... để du khách thấy được sự thân thiện, gần gũi. Người dân phải học cách kể chuyện trải nghiệm qua video TikTok, YouTube Shorts đến livestream trên các sàn thương mại điện tử. Phải xác định rằng người dân không chỉ bán nông sản, mà còn phải bán cảm xúc, bản sắc của vùng.
Nói đến dẫn dắt, liên kết không thể không nhắc đến TPHCM với vai trò là cầu nối chiến lược cho thương hiệu không chỉ vùng ĐBSCL mà còn các vùng khác. Là cửa ngõ quốc tế quan trọng, TPHCM đang phát huy vai trò là trung tâm trung chuyển khách quốc tế vào ĐBSCL. Nói về điều này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Khánh cho biết: TPHCM đã phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng xây dựng 3 trục du lịch đặc trưng: tuyến “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình” và “Sắc màu vùng biên”. Các công ty lữ hành đã thiết kế những hành trình đầy trải nghiệm, khai thác được nét riêng từng địa phương, đồng thời kết nối với TPHCM như một bàn đạp truyền thông và tiếp cận thị trường quốc tế. Từ góc nhìn chiến lược, nếu ĐBSCL sở hữu bản sắc văn hóa sâu đậm, thì TPHCM chính là trung tâm năng động, có thể gắn kết, nâng tầm thương hiệu vùng qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đầu tư có chiều sâu.
Mục tiêu đến năm 2030 không dừng lại ở việc tăng trưởng lượt khách hay doanh thu. Điều quan trọng hơn là tạo ra các sản phẩm du lịch đạt chuẩn quốc tế, khơi gợi hình ảnh ĐBSCL trở thành một trong ba điểm đến sinh thái đặc sắc nhất Đông Nam Á. Mỗi trải nghiệm du khách có được nơi đây sẽ là một mảnh ghép đưa thương hiệu vùng lan tỏa khắp năm châu.
Đã đến thời điểm chín muồi để ĐBSCL đưa các ý tưởng từ bàn giấy vào thực tế. Cánh cửa cơ hội sẽ đóng lại nếu thiếu một thương hiệu vùng đủ mạnh, khơi gợi được hình ảnh - cảm xúc - trải nghiệm; một chuỗi sản phẩm đặc thù, tinh luyện từ bản sắc vùng, đủ hấp dẫn với thị trường toàn cầu; một cơ chế điều phối vùng thực chất, với nhạc trưởng đủ quyền lực và tầm nhìn để đưa ĐBSCL bước ra thế giới. Không có “vùng trũng” vĩnh viễn. Chỉ có những nơi không chịu bước lên bằng chiến lược đúng và hành động đủ mạnh…
Nắm bắt cơ hội để tạo ra những sản phẩm mới
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Chủ tịch Chi hội du lịch Phú Quốc cho rằng, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang, rõ ràng tỉnh An Giang mới trở thành một trong những tỉnh, thành có tài nguyên du lịch rất lớn với một địa bàn rộng lớn, có biển, có sông, suối, núi rừng, có du lịch tâm linh văn hóa; đặc biệt Phú Quốc - nơi đang là trọng điểm quốc gia về du lịch. Với địa bàn rộng lớn và đa dạng việc kết nối các sản phẩm du lịch với nhau sẽ đem lại rất nhiều sự thuận lợi cho những người làm du lịch tại địa phương.
“An Giang là tỉnh có 2 sân bay là Rạch Giá và Phú Quốc. Hai sân bay này có thể kết nối được rất nhiều đường bay kết hợp với đường thủy, đường bộ tạo nên sự liên kết giữa các địa điểm với nhau. Các doanh nhiệp cần nắm bắt cơ hội để tạo ra những sản phẩm mới của tỉnh An Giang (mới), thông qua việc liên kết những sản phẩm trước đây của 2 tỉnh thành một sản phẩm chung. Qua đó, tập trung truyền thông, quảng bá và khai thác với những sản phẩm mà nó mang tính chất kết hợp giữa trên rừng dưới biển, tâm linh, văn hóa thiên nhiên…” - ông Huy nói.
Quốc Trung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/du-lich-vung-dong-bang-song-cuu-long-dong-luc-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi-bai-cuoi-tro-thanh-diem-den-quoc-te-hap-dan-tai-sao-khong-10309729.html