Từ một hòn đảo thiếu thốn điện và nước, Cô Tô “thay da đổi thịt”, vươn mình trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhờ hướng phát triển xanh, dựa vào cộng đồng.
Bãi biển Vàn Chảy tại Cô Tô. Ảnh: Hoàng Lân
Dễ dàng trải nghiệm
Đảo Cô Tô cách đất liền khoảng 80km về phía đông của tỉnh Quảng Ninh, vì thế, để đến được Cô Tô, du khách cần di chuyển bằng tàu từ đất liền. Nếu như trước kia nhiều người còn e dè khi du lịch Cô Tô vì thời gian và phương tiện di chuyển khó khăn, thì nay việc đến Cô Tô lại vô cùng thuận lợi.
Với việc vận hành hệ thống tàu cao tốc chất lượng cao và quy hoạch khu vực vận chuyển tại Cảng tàu quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn), du khách dễ dàng lên kế hoạch cho hành trình trải nghiệm du lịch biển đảo.
Theo Giám đốc Công ty lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái cùng hệ thống tàu cao tốc vận hành chuyên nghiệp, có nhiều chuyến ra đảo trong ngày, việc du lịch đảo Cô Tô rất dễ dàng. Bởi vậy, nhiều năm gần đây, Cô Tô là một trong những điểm đến “hot” nhất miền Bắc vào mùa hè.
Cô Tô được đánh giá là một trong những điểm du lịch có bãi biển đẹp nhất miền Bắc với vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng... Du khách sẽ được hòa mình vào làn nước biển trong xanh cùng bãi cát trắng mịn màng trải dài ngút tầm mắt như bãi biển Tình Yêu, Vàn Chảy, Hồng Vàn... Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi trên biển như chèo thuyền, ca nô lướt sóng và các hoạt động du lịch đêm sôi động...
Cô Tô có gần 50 đảo nhỏ, vì thế ngoài các bãi biển thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi đây còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như đón bình minh và hoàng hôn ở bãi đá Cầu Mỵ (hay còn gọi là bãi đá Móng Rồng) trên đảo Cô Tô lớn; khám phá con đường cát trên biển tại đảo Cá Chép; trải nghiệm lặn biển ngắm san hô tại đảo Thanh Lân; tham gia các trò chơi thể thao dưới nước tại đảo Cô Tô con; chụp ảnh tại đảo Sư Tử...
Nếu là người yêu lịch sử, văn hóa, du khách nên dành thời gian tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đảo Cô Tô ngày 9-5-1961; tham quan, check-in ngọn hải đăng được mệnh danh là “đôi mắt đêm” cho những tàu thuyền ở vùng biển Đông Bắc. Đứng ở độ cao trên 100m, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ để càng thêm yêu và tự hào biển trời Tổ quốc.
Điểm đến xanh
Ngày 30-6-2025, tỉnh Quảng Ninh thực hiện sáp nhập, điều chỉnh 171 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 54 đơn vị mới, bao gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu. Đặc khu Cô Tô sau khi sáp nhập bao gồm thị trấn Cô Tô và các xã Đồng Tiến, Thanh Lân cùng với các đảo nhỏ khác thuộc huyện Cô Tô trước đây.
Theo Phòng Văn hóa và Xã hội đặc khu Cô Tô, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì kế hoạch phát triển du lịch năm 2025, trong đó xác định phát triển Cô Tô là “Điểm đến xanh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, trọn vẹn bốn mùa”; phấn đấu thu hút trên 300.000 lượt khách trong năm 2025.
Trưởng Phòng Văn hóa và Xã hội đặc khu Cô Tô Nguyễn Hải Linh cho biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương và người dân cùng bắt tay triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là sau ảnh hưởng của bão Yagi như phát triển hệ thống xe điện đón khách, thu dọn rác, làm sạch bãi biển; trồng cây ở khu vực ven bờ; khuyến cáo người dân và du khách hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa dùng một lần; vẽ tranh bích họa, trang trí bờ biển và những khu vực thường xuyên đón khách du lịch.
“Chúng tôi cũng tổ chức nhiều tour nhặt rác, làm sạch biển được rất nhiều khách trong và ngoài nước tham gia hưởng ứng” - ông Nguyễn Hải Linh chia sẻ.
Du lịch trên đặc khu Cô Tô đã có nhiều đổi mới, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch trên đảo Cô Tô vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để có thể đưa du lịch xanh trở thành thế mạnh của đặc khu.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, điểm yếu của du lịch Cô Tô là hạ tầng chưa đồng bộ; nhân lực du lịch chủ yếu là người dân, mang tính tự phát, thiếu bài bản. Ngoài ra, Cô Tô đang thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao như các khách sạn 4 - 5 sao...
Để du lịch Cô Tô phát triển xứng tầm với tiềm năng của đặc khu, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Cô Tô cần có quy hoạch tổng thể và bài bản các khu, điểm du lịch, đặc biệt là phát huy thế mạnh các bãi tắm tự nhiên. Ngoài ra, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cần có sự định hướng, tuyên truyền, đào tạo để người dân cùng xây dựng thương hiệu du lịch đặc khu, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Hiện nay, đặc khu Cô Tô vừa đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Phó Chủ tịch UBND đặc khu Cô Tô Đỗ Huy Thông cho biết, ngay khi ổn định bộ máy, chính quyền địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để thu hút du khách, Cô Tô tiếp tục triển khai Đề án “Tour các đảo” và phát triển kinh tế ban đêm.
“Cô Tô đang thu hút các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao; tuyên truyền, vận động các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú chủ động đầu tư, nâng cấp phương tiện, cơ sở vật chất, xây dựng tour, tuyến du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ” - ông Đỗ Huy Thông cho biết.
Hoàng Bình Phương