Dư luận quốc tế: Chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột phi lý nhất của thế kỷ trước; minh chứng về sức mạnh của lòng bao dung và tinh thần hòa giải

Dư luận quốc tế: Chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột phi lý nhất của thế kỷ trước; minh chứng về sức mạnh của lòng bao dung và tinh thần hòa giải
4 giờ trướcBài gốc
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Công ty truyền thông Nexstar đã phối hợp với trường Cao đẳng Emerson thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc về những bài học kinh nghiệm và tác động của cuộc xung đột kéo dài 2 thập kỷ này.
Cuộc khảo sát của Nexstar và trường Cao đẳng Emerson được thực hiện nhằm tìm hiểu cảm nhận của người Mỹ về cuộc Chiến tranh Việt Nam sau 50 năm.
Bài viết tiêu đề “Từ kẻ thù thành láng giềng: Cựu binh Mỹ chọn Việt Nam cho chương cuối cuộc đời” trên trang tin Destino a Panama.
Theo kết quả khảo sát được đăng tải trên trang mạng của tờ The Hill, 44% số người trưởng thành được hỏi nhận xét Chiến tranh Việt Nam là không chính đáng, trong khi 50% số người được hỏi nói rằng vẫn không có ý tưởng rõ ràng về việc Mỹ đang chiến đấu vì điều gì ở Việt Nam.
Khoảng 25% số người tham gia khảo sát là cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam. Trong đó, 46% cựu chiến binh tại Việt Nam được hỏi cho biết cuộc xung đột này là không chính đáng.
Tờ The Hill dẫn lời ông Spencer Kimball - Giám đốc phụ trách thăm dò của Trường Cao đẳng Emerson – cho biết: “Nhìn chung, người Mỹ nói với chúng tôi rằng, Mỹ không nên tham gia vào một cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 58.000 quân nhân và rất nhiều, rất nhiều binh lính và dân thường Việt Nam”.
Cũng theo kết quả khảo sát, 43% số người được hỏi cho biết Mỹ vẫn chưa rút ra được bài học và vẫn chưa thận trọng hơn khi tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài.
* Cũng trong dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trang tin tức Destino a Panama - một trong những trang thông tin du lịch và văn hóa uy tín tại Panama, vừa đăng tải bài viết cảm động về những cựu binh Mỹ đã chọn Việt Nam làm nơi an dưỡng tuổi già.
Với tiêu đề “Từ kẻ thù thành láng giềng: Cựu binh Mỹ chọn Việt Nam cho chương cuối cuộc đời”, bài viết đã khắc họa chân thực hành trình hòa giải đầy nhân văn giữa những người lính năm xưa.
Bài viết mở đầu với câu chuyện của cựu nhân viên tình báo 80 tuổi Chuck Searcy đến từ bang Alabama (Mỹ). Sau một năm tham chiến tại Việt Nam (1968), ông đã trở lại và bắt đầu sinh sống ở Hà Nội từ năm 1994, chỉ vài tháng trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Hồi tưởng lần trở lại Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh vào năm 1992 cùng một người bạn cũng là cựu binh Mỹ, ông Searcy chia sẻ: “Chúng tôi sợ hãi khi máy bay hạ cánh, tưởng rằng sẽ bị người Việt Nam căm ghét. Thế nhưng, thật kinh ngạc, chúng tôi được chào đón bằng sự tò mò thân thiện. Ở cả miền Bắc và miền Nam, chúng tôi đã gặp những cựu chiến binh Việt Nam và con cái họ, những người tốt bụng này không hề ác cảm với chúng tôi. Thật tuyệt vời!”.
Không chỉ là một trong những cựu binh tiên phong trở lại Việt Nam sau chiến tranh, mà ông Searcy còn là người đã để lại dấu ấn lớn nhất thông qua Dự án Renew - tổ chức đã phát hiện và vô hiệu hóa hơn 120.000 vật liệu bom mìn chưa phát nổ tại tỉnh Quảng Trị - nơi chịu nhiều bom đạn chiến tranh nhất ở Việt Nam.
Câu chuyện của ông minh chứng cho tinh thần nhân ái Việt Nam: “Người dân không nuôi hận thù, họ muốn cùng nhau chữa lành vết thương chiến tranh”.
Bài báo tiếp tục với trường hợp xúc động của cựu binh Jim Reischl, 78 tuổi. Sau 40 năm, cựu binh ở bang Minnesota đã trở lại tìm kiếm người yêu cũ và cô con gái mà ông chưa bao giờ được gặp. Dù không tìm được con, ông đã gặp lại người yêu năm xưa và hiện sống hạnh phúc bên người vợ Việt tại Đà Lạt.
“Khí hậu tuyệt vời, người dân thân thiện, chi phí hợp lý - tôi có thể sống thoải mái bằng lương hưu”, Reischl chia sẻ.
Richard Brown (75 tuổi), cựu lính thủy đánh bộ từng đóng quân tại Căn cứ Không quân Chu Lai (1969-1970), lại có một hành trình khác. Năm 2005, ông cùng vợ là người gốc Việt rời Mỹ để thoát khỏi “nhịp sống tiêu dùng điên cuồng”.
“Cuộc sống ở Việt Nam đơn giản hơn nhiều”, ông nói. Làm việc cho một số công ty hàng không Việt Nam đến năm 2014, ông Brown đã quyết định nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Hiện ông an dưỡng tuổi già tại một ngôi nhà gần bãi biển Đà Nẵng và một ngôi nhà khác ở Tây Nguyên gần Pleiku.
Từng nghĩ rằng quá khứ tham gia quân ngũ của mình có thể gây nên nhiều hoài nghi, đặc biệt khi làm việc ở Hà Nội, song trên thực tế ông Brown luôn được người dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Cựu binh Mỹ xúc động nói: “Tôi đã được chấp nhận, kể cả những đảng viên Cộng sản. Nơi đây là nhà và tôi chưa từng hối tiếc”.
Bài viết trên “Destino a Panama” không chỉ là những câu chuyện về cá nhân, mà còn là bức tranh sinh động về sức mạnh hòa hợp và hòa giải.
Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), những cựu binh Mỹ này đã và đang trở thành cầu nối sống động cho quan hệ Việt-Mỹ. Họ chính là minh chứng cho tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam: “Đem đại nghĩa, lấy chí nhân thắng hung tàn, cường bạo”.
(theo TTXVN)
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/du-luan-quoc-te-chien-tranh-viet-nam-la-cuoc-xung-dot-phi-ly-nhat-cua-the-ky-truoc-minh-chung-ve-suc-manh-cua-long-bao-dung-va-tinh-than-hoa-giai-312807.html