Lý do là những lo ngại về tác động kinh tế và xã hội mà dự luật mang lại. Động thái này có thể gây cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đang trầm trọng tại nước này.
Việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế tới Australia đang gây bất đồng giữa các chính đảng. Ảnh: Trinity College
Trong một thông cáo chung, đại diện đảng Tự do cho rằng, dự luật giới hạn số lượng sinh viên quốc tế là một cách tiếp cận “hoàn toàn không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên trầm trọng hơn”. Đảng Tự do kêu gọi Chính phủ áp dụng các giải pháp lâu dài, vừa củng cố vị thế toàn cầu của Australia, vừa giải quyết các thách thức trong nước.
Trong khi đó, theo Thượng nghị sĩ đảng Xanh Mehreen Faruqi, chính sách này là “sai lầm” và “không nên được thông qua”. Không tổ chức nào ngoài Công đảng ủng hộ việc giới hạn sinh viên quốc tế vì điều này sẽ phá hủy ngành Giáo dục và ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Australia, đồng thời dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và kinh tế của quốc gia châu Đại Dương này. Đảng Xanh phản đối mạnh mẽ dự luật vì đó chỉ là một thông điệp ngầm nhằm đổ lỗi cho sinh viên quốc tế về cuộc khủng hoảng nhà ở mà họ không gây ra.
Phân tích của các nhà kinh tế cho thấy, sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của Australia. Một nửa trong số mức tăng trưởng 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia năm 2023 là sự đóng góp của sinh viên quốc tế, phần còn lại là do phục hồi kinh tế. Trong năm này, số lượng sinh viên quốc tế đến Australia đã tăng lên hơn 640.000 người, vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Điều này mang lại nguồn thu nhập 48 tỷ AUD (khoảng 32 tỷ USD) và 200.000 việc làm cho nền kinh tế Australia, biến nó thành ngành xuất khẩu lớn thứ tư của quốc gia này.
Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế được cho là đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở trên toàn quốc, cũng như chất lượng dịch vụ do các tổ chức giáo dục đại học mà Australia cung cấp. Một số ý kiến cho rằng, số lượng sinh viên quốc tế quá nhiều đã khiến các trường đại học hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và tập trung vào lợi nhuận thay vì chất lượng giảng dạy. Nhu cầu thuê nhà tăng đã đẩy giá nhà thuê lên cao và xuất hiện tình trạng thiếu chỗ ở.
Đây là lý do Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese phải đưa ra dự luật giới hạn tuyển sinh viên quốc tế. Theo đó, Australia sẽ cắt giảm gần 20.000 sinh viên nước ngoài. Đối với các kỳ nhập học của sinh viên quốc tế vào năm 2025, các trường đại học sẽ tiếp nhận khoảng 145.000 sinh viên và 95.000 sinh viên khác được phân bổ cho các khóa học giáo dục và dạy nghề (VET). Với các nhà cung cấp phi đại học, số lượng nhập học sẽ vào khoảng 30.000 sinh viên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra những thay đổi liên quan tới thị thực sinh viên.
Để có được thị thực, sinh viên dự định sang Australia du học cần phải đáp ứng trình độ tiếng Anh cao hơn và có khoản tiết kiệm lớn hơn để trang trải chi phí trong thời gian lưu trú tại nước này. Chính phủ Australia cũng đã đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn những sinh viên “không chính thức” đến Australia để làm việc thay vì học tập. Lệ phí xin thị thực cũng tăng gấp đôi lên 1.600 AUD (1.037 USD), điều này sẽ chuyển hướng nhu cầu của sinh viên sang các quốc gia khác. Ngoài việc giảm bớt sức nóng của cuộc khủng hoảng nhà ở, Chính phủ Australia cho rằng, biện pháp trên sẽ giúp tăng cường kỷ cương trong vấn đề người nhập cư.
Theo các nhà bình luận, dù liên minh 2 đảng Tự do và Quốc gia cùng đảng Xanh có bỏ phiếu phủ quyết dự luật hạn chế sinh viên nước ngoài trong thời gian tới, Chính phủ Công đảng vẫn có biện pháp khác để giảm tổng thể nguồn lực dành cho việc xử lý thị thực du học. Điều này sẽ làm chậm dòng sinh viên đổ vào tất cả các trường học. Cũng còn nhiều khía cạnh liên quan tới sinh viên quốc tế Công đảng chưa xem xét để có thể giảm hạn ngạch trong thời gian tới, ví dụ như việc xóa bỏ các loại điểm ưu tiên mà nhiều sinh viên quốc tế đang dựa vào để tới Australia.
Nhìn chung, Công đảng sẽ không thay đổi mục tiêu chính sách là hạn chế số lượng sinh viên quốc tế để giải quyết khủng hoảng nhà ở. Và đây sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi cho tới cuộc bầu cử liên bang năm 2025.
Quỳnh Dương