Ninh Bình nổi tiếng trên bản đồ du lịch với quần thể danh thắng Tràng An. Đến với Tràng An, điểm gây ấn tượng nhiều nhất với tôi là hành cung Vũ Lâm. Theo các dữ liệu lịch sử, hành cung Vũ Lâm là nơi được các vua thời kỳ đầu Nhà Trần chọn làm căn cứ quân sự, giúp củng cố lực lượng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Nơi đây còn gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo. Hành cung Vũ Lâm hiện nay là vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An.
Hành cung Vũ Lâm với nhiều địa điểm còn lưu dấu vết của triều đại nhà Trần.
Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An. Để đến nơi này, chúng tôi ngồi trên các con thuyền do người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết đến ngỡ ngàng của sông núi.
Thủy đình thuộc Hành cung Vũ Lâm.
Từ bến đò Tràng An, đi thuyền khoảng 15 phút qua hang Lấm đến thung Nội Lấm là tiến vào hành cung. Tọa lạc trên một địa thế thoáng đãng, rộng rãi, thuyền nhỏ đưa chúng tôi dạo qua những địa điểm còn lưu dấu vết của vương triều nhà Trần, như đền thờ các vị vua Triều Trần, trạm gác Cửa Quan, gò Mưng, đình Tuân Cáo, cống Rồng... cùng 24 ngôi chùa cổ tồn tại từ thời Trần đến nay, như Hải Nham, Khai Phúc, Bích Động, Linh Cốc...
Du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp trong Quần thể di sản thế giới Tràng An.
Càng đi sâu vào bên trong hành cung Vũ Lâm, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi khung cảnh ở đây hết sức thơ mộng, hùng vĩ. Những địa điểm trong hành cung còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử to lớn, là những minh chứng cho một triều đại thịnh vượng thời phong kiến Việt Nam, cũng như những chiến tích chống quân xâm lược vang dội của ông cha ta.
Bên cạnh các di tích lịch sử độc đáo được hình thành và lưu giữ từ hơn 1.000 năm trước, thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình nhiều cảnh quan hùng vĩ làm rung động lòng người khi đặt chân đến.
Vào tháng 1, tiết trời ở Ninh Bình vẫn giữ được chút hơi lạnh của những ngày cuối đông. Thời tiết se se lạnh không chỉ mang lại sự dễ chịu, mà còn làm bùng nổ vẻ đẹp tự nhiên của Ninh Bình. Vùng đất này ẩn chứa nhiều nơi để khám phá, trong số đó có một địa điểm được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long không sóng” - đầm Vân Long.
Đầm Vân Long được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long không sóng" .
Đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn được hình thành từ việc xây dựng đê ngăn lũ từ năm 1965 ở phía tả ngạn sông Đáy. Dần dần, nước tích tụ trở thành một vùng đất ngập nước mênh mông. Con đê có chiều dài hơn 30km, đi xuyên qua làng mạc và những cánh đồng, tới tận Nho Quan. Đứng trên bờ đê, một không gian rộng lớn hiện ra trước mắt với các dãy núi đá sừng sững cùng vùng đầm nước mênh mông, mặt nước phẳng lặng như tấm gương khổng lồ phản chiếu những khối núi đá vôi có tuổi đời hơn 250 triệu năm. Chính vì lẽ đó mà đầm Vân Long được người dân địa phương đặt tên là vịnh không sóng.
Những hang động trong khu vực đầm Vân Long với thạch nhũ được hình thành từ hàng nghìn năm.
Chòng chành trên chiếc thuyền nan, chúng tôi đi sâu vào bên trong khu vực đầm để chiêm ngưỡng những hang động xuyên núi và thảm thực vật chìm trong nước, dưới chân những ngọn núi đá vôi hùng vĩ.
Đầm Vân Long còn có nhiều hang động tuyệt đẹp với vô số khối thạch nhũ mang hình dáng độc đáo. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của loài voọc “quần đùi trắng”, là loài đặc hữu quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Chính vì sự đa dạng đó, đầm Vân Long đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
Hoàng hôn trên đầm Vân Long.
Vào buổi chiều muộn, ánh mặt trời buông trên đầm với sắc vàng cam tuyệt mỹ, tạo nên cảm giác vừa thơ mộng, vừa bình yên. Giữa thiên nhiên trong trẻo ấy, tôi thấy mình như đang trôi trong miền cảm xúc an yên.
Cách trung tâm TP.Ninh Bình khoảng 15km, thung Nham tọa lạc tại thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có điểm đặc biệt hơn những thung khác. Nằm sâu trong lòng thung là một đảo nhỏ nguyên sinh, là nơi sinh sống của hơn 40 loài chim, cò, vạc, diệc, le le... có cả những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ là hồng hạc và phượng hoàng. Trong đó, cò là loài chiếm ưu thế, số lượng lên đến gần 50 nghìn cá thể. Những con cò thường đi kiếm ăn xa từ tờ mờ sáng, buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống chúng mới quay về. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để ngắm từng đàn cò trắng bay lượn kín cả vùng đất ngập nước, tạo nên một nét đẹp hoang sơ và choáng ngợp.
Để đến được đảo Cò có 2 con đường là đường bộ và đường thủy. Nếu muốn tham quan kết hợp leo núi thì đường bộ rất thích hợp bởi quãng đường dài, đi qua những lối mòn ngoằn ngoèo men theo chân núi sát mép nước, từ trên cao nhìn xuống có thể thấy được đàn cò đang dập dờn chao liệng.
Những chiếc thuyền lớn chở du khách đi sâu vào bên trong đảo Cò thuộc thắng cảnh thung Nham.
Nếu đi đường thủy, thì những chiếc thuyền có sức chứa từ 12 - 15 người sẽ đưa khách lướt nhẹ trên mặt nước, ngắm cảnh núi non hùng vĩ trước khi đến đảo, ngắm đàn le le nối đuôi nhau bơi cạnh mạn thuyền. Tiếp sau đó, đập vào mắt du khách là cả một vùng trời phủ rợp những cánh chim trắng muốt cùng tiếng kêu xao động cả núi rừng.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, động Am Tiên lại là địa danh có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hòa cùng nét rêu phong cổ kính của mái chùa trên núi, bên dưới là hồ Giải lung linh xanh ngắt. Tất cả hòa quyện để tạo nên một chốn bồng lai.
Động Am Tiên đầy rêu phong cổ kính như chốn bồng lai tiên cảnh.
Động Am Tiên thuộc quần thể Di tích Cố đô Hoa Lư, nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng nuôi hổ báo, xây pháp trường, đồng thời có ngôi chùa Am Tiên, nơi thái hậu Dương Vân Nga tu hành đến cuối đời với pháp danh là Bảo quang Hoàng thái hậu. Nằm hiên ngang trên vách núi, chùa Am Tiên vừa tịch mịch, trang nghiêm lại vừa có chút hiu quạnh đến khó tả.