Dư nợ tín dụng đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng

Dư nợ tín dụng đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng
3 giờ trướcBài gốc
Đây là thông tin được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết trong cuộc họp 6 tháng cuối năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo ông Hà, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024.
Liên quan đến mặt bằng lãi suất, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại – với vai trò là đơn vị thực thi – cũng tích cực giữ ổn định lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân các khoản mới phát sinh hiện ở mức khoảng 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong kỳ từ năm 2023 trở lại đây.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành cấp tín dụng chính như: Nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.
Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%.
Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ.
Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng triển khai tích cực.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số... được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.
Ngọc Diễm
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/du-no-tin-dung-dat-tren-169-trieu-ty-dong-d59664.html