Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để mọi người đều an toàn

Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để mọi người đều an toàn
6 giờ trướcBài gốc
Hai vị khách mời và MC Lan Anh tại Chương trình giao lưu trực tuyến.
Để giúp quý vị độc giả của Báo Thái Nguyên nhìn lại những nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của tỉnh thời gian qua và những việc còn phải làm để dự phòng và điều trị hiệu quả HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, chúng tôi đã mời tới trường quay của Báo Thái Nguyên điện tử hai vị khách mời đặc biệt tham gia chương trình “Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để mọi người đều an toàn”.
1. Thạc sĩ - Bác sĩ (Ths.Bs) Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên
2. Bác sĩ Nịnh Thị Nam, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Phụ trách phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế Phú Lương
Cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến ngày hôm nay.
MC Lan Anh.
MC Lan Anh: Thưa Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Theo bà, chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?
Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí trên phạm vi cả nước như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.
Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Thái Nguyên đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.
Chính vì vậy, việc chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
MC Lan Anh: Vâng thưa bác sĩ Nịnh Thị Nam, việc tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế đã có những thay đổi rõ rệt, theo hướng tích cực, vậy “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” chủ đề năm 2024, muốn hướng đến mục tiêu gì?
Bác sĩ Nịnh Thị Nam, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Phụ trách phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế Phú Lương.
Bs Nịnh Thị Nam: Chủ đề năm 2024 “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” hướng tới mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý và đảm bảo chất lượng.
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh và MC Lan Anh.
MC Lan Anh: Thưa quý vị và các bạn, thưa các vị khách mời, với những mục tiêu đặt ra từ sớm, Thái Nguyên đang triển khai và đạt được những kết quả trong hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV. Mời quý vị cùng theo dõi một phóng sự ngắn do Báo Thái Nguyên thực hiện.
MC Lan Anh: Phóng sự quý vị vừa xem cho thấy hiện nay, số người mắc HIV/AIDS đang giảm qua từng năm và có xu hướng thay đổi. Vậy thay đổi đó là gì thưa thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh? Bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về việc hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ths. Bs Lê Ái Kim Anh: Một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa. Cụ thể ở Việt Nam, người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16-29 tăng từ 37,2% năm 2019 lên 48,7% năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm, ngành Y tế ghi nhận 47,3% người nhiễm ở độ tuổi này.
Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV mới chủ yếu ở nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 49%, trong khi đối tượng nghiện chích ma túy chỉ chiếm 6%, người hành nghề mại dâm chiếm 0,5%.
"Đường lây truyền bệnh đã có sự thay đổi, nguy cơ tăng dịch HIV, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xu hướng dịch tăng rõ rệt ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.
Xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên:
Đường lây truyền HIV có thay đổi, từ lây truyền qua máu là chủ yếu thì hiện nay đường lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Cụ thể, người nhiễm HIV năm 2009 lây truyền qua đường máu chiếm 69,38%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 23,94%.
Năm 2014, số người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu giảm xuống còn 55,06% và số người nhiễm lây truyền qua đường tình dục tăng lên 37,65%.
Đến năm 2024, số người lây truyền qua đường máu giảm hẳn xuống chỉ còn 22,67% tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn, còn số người lây qua đường tình dục tăng lên 69,34%.
Chỉ tính riêng trong 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 99 ca nhiễm HIV lây truyền qua đường tình dục, chiếm 76,77% tổng số ca nhiễm, trong khi đó số lây truyền qua đường máu là 18 ca, chiếm 18,18%.
Về hỗ trợ tiếp cận dịch vụ, để giúp người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, ngoài các cơ sở điều trị ARV/PrEP công lập và tư nhân, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
Tỉnh cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế.
Nhân viên y tế, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
MC Lan Anh: Có thể thấy, tỉnh Thái Nguyên đã có những quan tâm chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho người bệnh. Vậy các chỉ đạo đó đã được triển khai thực hiện cụ thể tại cơ sở y tế của mình như thế nào thưa bác sĩ Nịnh Thị Nam?
Bs Nịnh Thị Nam: Các chỉ đạo đó đã được triển khai thực hiện cụ thể tại đơn vị của chúng tôi, bao gồm:
1. Truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông nhóm lớn, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông lồng ghép trong các sự kiện, các hoạt động giảm kỳ thị, giảm phân biệt đối xử cho các nhân viên y tế…
2. Đào tạo, tập huấn cho người có hành vi nguy cơ cao, cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên hỗ trợ điều trị.
3. Tìm ca qua nhiều kênh, nhiều hình thức tiếp cận: Qua phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tại các khoa/phòng của bệnh viện, hình thức bạn tình/bạn chích/mạng lưới của bệnh nhân đang điều trị ARV, qua các nhóm cộng đồng… Với các nỗ lực tích cực như vậy, những năm gần đây số ca nhiễm HIV mới giảm dần qua các năm.
4. Để giúp cho các khách hàng/ bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV một cách thuận lợi, dễ dàng, tại đơn vị chúng tôi đã xây dựng và duy trì được phòng xét nghiệm khẳng định HIV từ năm 2020.
5. Hiệu quả điều trị ARV: Tỷ lệ ức chế vi rút trên 99%, tỷ lệ tử vong bỏ trị nhỏ hơn 5%; lây truyền mẹ con giảm gần bằng 0, các hoạt động mới: sàng lọc bệnh không lây nhiễm, điều trị viêm gan C, sàng lọc sức khỏe tâm thần, ung thư cổ tử cung…
6. Hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua tại đơn vị dần dần được cải thiện. Các thông tin, dữ liệu về hoạt động chương trình đã có tính chính xác và độ tin cậy khá cao, qua đó giúp cho việc hỗ trợ khách hàng/bệnh nhân đạt được hiệu quả ngày càng cao.
Tư vấn về HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Kết quả thực hiện mục tiêu 95x95x95 tại Phú Lương hiện đạt : 82,78 – 89,06 – 99,23%. Tất cả những trường hợp được phát hiện tại phòng xét nghiệm của đơn vị đều được cán bộ phòng khám ngoại trú đưa vào điều trị trong ngày, ngay cả khi ngoài giờ hành chính.
Qua nhiều năm triển khai thực hiện tại đơn vị, nhận thức của cán bộ y tế về kỳ thị và phân biệt đối xử đã có nhiều thay đổi, người bệnh có nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế thân thiện và chất lượng. Người bệnh cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn khi phải đối mặt với căn bệnh này.
MC Lan Anh: Điều trị ARV đã mang lại cuộc sống bình thường cho những người mắc HIV, vậy điều trị ARV như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất?
Bác sĩ Nịnh Thị Nam.
Bs Nịnh Thị Nam: Điều trị ARV đã mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho người có H, tuy nhiên bệnh HIV/AIDS phải điều trị suốt đời, trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ phải gặp nhiều thách thức bao gồm: Tuân thủ điều trị, tác dụng phụ, tương tác thuốc; để việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị ARV đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị: uống đúng thuốc, chính xác về thời gian và liều lượng thuốc do bác sĩ chỉ định, người bệnh không được tự ý thay đổi các loại thuốc đã được chỉ định mà phải sử dụng đúng loại thuốc đó, ngay cả khi có thuốc khác cùng hoạt chất.
Người bệnh cũng không được tự ý tùy tiện điều chỉnh liều lượng dùng thuốc, kể cả khi quên một liều thì cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ có thực hiện liều bổ sung hay không; khi uống thuốc ARV người bệnh bắt buộc phải uống cả viên, không được bẻ hay nghiền nhỏ; tiếp nữa là tái khám đúng hẹn, tuân thủ các chỉ định xét nghiệm định kỳ, trong đó xét nghiệm tải lượng vi rút để theo dõi kết quả điều trị là quan trọng nhất giúp cho bác sĩ điều trị phát hiện sớm thất bại điều trị. Ngoài ra, những xét nghiệm khác trong quá trình điều trị giúp cho bác sĩ lựa chọn cho người bệnh phác đồ điều trị phù hợp nhất để tránh tương tác thuốc và hạn chế tác dụng phụ của thuốc gây ra.
MC Lan Anh: Vậy ngoài công tác điều trị, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh có thể thông tin cụ thể về công tác dự phòng phơi nhiễm với HIV, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS và mang lại an toàn cho cộng đồng?
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh.
Ths.Bs Lê Ái Kim Anh: Dự phòng trước phơi nhiễm HIV là khi những người không nhiễm HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV (qua quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy…) uống thuốc điều trị HIV để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
Công tác dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 2 cơ sở cung cấp dịch vụ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên và Bệnh viện Đa khoa An Phú. Hiện cung cấp dịch vụ cho 847 khách hàng.
- Các hoạt động truyền thông tạo cầu:
+ Quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, tiktok...), fanpage của cơ sở.
+ Các video giới thiệu về dịch vụ PrEP tại khu vực chờ của Trung tâm/bệnh viện/phòng khám.
+ Thông báo về dịch vụ đến các khoa/phòng của Trung tâm y tế/bệnh viện, phòng khám thông qua các buổi giao ban, họp.
+ Liên kết với các nhóm cộng đồng để quảng bá dịch vụ và đề nghị chuyển gửi.
Người nhiễm HIV chia sẻ về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại.
MC Lan Anh: Theo như tôi được biết, bảo hiểm y tế (BHYT) đang hỗ trợ tích cực cho người chăm sóc điều trị HIV tại các cơ sở y tế, những hỗ trợ này cụ thể là gì, và được người bệnh đón nhận ra sao thưa bác sĩ Nịnh Thị Nam?
Bs Nịnh Thị Nam: Đối với Phòng khám Ngoại trú Trung tâm Y tế Phú Lương, việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT đối với người bệnh điều trị ARV từ năm 2016, lúc này BHYT hỗ trợ cho người bệnh tiền khám bệnh và các xét nghiệm theo dõi trong quá trình điều trị (trừ xét nghiệm tải lượng vi rút).
Đến thời điểm hiện tại, BHYT đang thanh toán cho người bệnh tất cả các dịch vụ liên quan đến điều trị ARV như là thuốc ARV, công khám, xét nghiệm cơ bản định kỳ theo dõi trong quá trình điều trị, xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ, chỉ còn 1 số ít phác đồ đặc biệt là chưa có thuốc.
Đại đa số bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi thực hiện việc khám chữa bệnh ARV bằng kinh phí từ BHYT, tuy nhiên vẫn còn số rất ít người bệnh không muốn chi trả dịch vụ khám bệnh từ BHYT. Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân đã có người bệnh nói rằng: Việc liên thông về khám chữa bệnh BHYT có thể sẽ làm lộ danh tính của họ.
Nhưng tôi cũng có 1 lời khuyên chân thành với các bạn rằng: BHYT là giải pháp bền vững giúp người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với thuốc điều trị ARV liên tục, suốt đời và các quyền lợi khám chữa bệnh khác.
MC Lan Anh.
MC Lan Anh: Có thể thấy, nhiều thuận lợi trong hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người mắc HIV, nhưng vẫn còn đó những khó khăn, xin Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh chia sẻ rõ hơn về những khó khăn đó?
Ths. Bs Lê Ái Kim Anh: Có thể nói, công tác hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người mắc HIV còn không ít khó khăn, như:
- Khó khăn về cung ứng sinh phẩm, thuốc ARV, tình trạng thiếu thuốc (do công tác đấu thầu mua sắm…).
- Tình trạng thiếu nguồn lực, nhân lực; nhất là nhiều cán bộ vốn đã được đào tạo chuyên sâu phải chuyển sang các lĩnh vực mới, chúng tôi lại phải đào tạo tiếp cho những cán bộ mới.
- Ngân sách viện trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang bị sụt giảm rất lớn, phải tăng nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động.
- Người bệnh còn bị xã hội kỳ thị phân biệt đối xử và tự kỳ thị, nên việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn khó khăn.
- Ý thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị HIV bằng thuốc ARV của 1 số bệnh nhân còn chưa cao.
Chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV tại Thái Nguyên - Ảnh: TTKSBT Thái Nguyên
MC Lan Anh: Trước những thực trạng và còn khó khăn nhất định, dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Nịnh Thị Nam có thể tư vấn những giải pháp hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ?
Bs Nịnh Thị Nam: Theo tôi, những giải pháp hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất cho người mắc HIV gồm:
- Đẩy mạnh phát triển các cơ sở điều trị ARV/PrEP tư nhân, các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
- Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù để cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế.
- Tăng cường tập huấn và truyền thông về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm H.
- Về phía người bệnh, hiện tượng tự kỳ thị cũng là một trong những rào cản; cần tăng cường truyền thông đối với cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này, bệnh HIV/AIDS cũng giống như các bệnh viêm gan C, viêm gan B hay các bệnh nhiễm trùng mạn tính khác… Trong khi các thuốc điều trị hiện đang sử dụng rất có hiệu quả.
Thăm khám điều trị HIV cho bệnh nhân - Ảnh: VGP/Thùy Chi
MC Lan Anh: Thưa Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh, để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, những giải pháp cụ thể sẽ được triển khai thực hiện là gì?
Ths. Bs Lê Ái Kim Anh: Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, những giải pháp cụ thể gồm:
1. Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức về HIV/AIDS thông qua các sự kiện cộng đồng, các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
2. Phòng, chống HIV/AIDS trong môi trường làm việc, nhân rộng mô hình tại khu công nghiệp, trường đại học.
3. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc điều trị, đẩy mạnh can thiệp, tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm: điều trị Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm… để người nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV.
4. Tiếp tục khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, của chính những người bệnh vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
5. Tiếp tục truyền thông và nhân rộng thông điệp K=K: không phát hiện = không lây truyền, điều trị ARV mang ý nghĩa dự phòng, từ đó hạn chế việc lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
6. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS bên cạnh tập trung điều trị bằng thuốc ARV: điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV (Lao, viêm gan vi rút, các rối loạn sức khỏe tâm thần cũng như hỗ trợ các vấn đề xã hội khác...).
Thăm khám cho bệnh nhân điều trị HIV - Ảnh: VGP/Thùy Chi
MC Lan Anh: Thưa quý vị và các bạn, với những giải pháp cụ thể mà Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ái Kim Anh vừa chia sẻ, chúng ta tin tưởng rằng Thái Nguyên sẽ thực hiện có hiệu quả việc dự phòng và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, mang lại cuộc sống an toàn cho mọi người và cùng với cả nước chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, như mục tiêu đã đề ra.
Chương trình giao lưu trực tuyến của chúng tôi hôm nay cũng xin được khép lại, cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
TNĐT
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/y-te/202411/giao-luu-truc-tuyen-du-phong-va-dieu-tri-hivaids-de-moi-nguoi-deu-an-toan-1e804d9/