Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 10 đổi mới quan trọng

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 10 đổi mới quan trọng
5 giờ trướcBài gốc
Khoa học công nghệ (KHCN) là nền tảng của một quốc gia. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển phải là quốc gia có KHCN phát triển. Nhiều ý kiến đề nghị nâng mức chi KHCN/đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ 2% lên 3% ngân sách Nhà nước (NSNN).
Sinh viên trường Đại học Công nghệ tham quan và học tập tại phòng thí nghiệm ở cơ sở Hòa Lạc.
Khoa học công nghệ hướng tới đổi mới sáng tạo. KHCN và ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, KHCN chủ yếu là hoạt động của đội ngũ chuyên môn, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, tập trung vào nghiên cứu, phát triển tri thức và công nghệ mới; ĐMST là của toàn dân, là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao hiệu suất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống.
Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào dự thảo Luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động ĐMST, đặc biệt trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian như trung tâm hỗ trợ ĐMST, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm. ĐMST góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế xã hội (KTXH). Nếu KHCN và ĐMST được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP, phần đóng góp từ ĐMST chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%.
Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.
Trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu mang lại và tác động thực tiễn đến phát triển KTXH. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN; đồng thời, lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực, trong đó các tổ chức KHCN chỉ được cấp tiếp các đề tài nếu chứng minh được hiệu quả của kết quả nghiên cứu trước đó.
Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.
Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu được do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này. Từ đó, tạo động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển KTXH.
Chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. NSNN đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.
Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra và mức độ đóng góp thực chất. Đồng thời, Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.
KHCN thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, lần này tập trung vào lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.
Chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của Nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh).
Việc điều chỉnh nhu cầu nghiên cứu cơ bản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tạo sự gắn kết giữa các loại hình nghiên cứu và tăng tỉ trọng nghiên cứu có tác động vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình. Đồng thời, Dự thảo Luật không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: Đào tạo - nghiên cứu - ĐMST. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền KHCN tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và ĐMST bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.
Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Lần đầu tiên trong Dự thảo Luật, một chương riêng được dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ NSNN thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3 - 4 đồng từ doanh nghiệp". Nếu trước đây, NSNN tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được 10%, thời gian tới sẽ là 80%.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.
Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.
Cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Kết hợp liên ngành KH tự nhiên và KH xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại. Phân biệt cách tiếp cận giữa nghiên cứu khoa học (ít định hướng ứng dụng, cần không gian tự do sáng tạo) và phát triển công nghệ (gắn với kết quả đầu ra, ứng dụng thực tiễn). Tùy theo giai đoạn, chính sách sẽ có sự ưu tiên khác nhau. Hiện nay, tập trung nhiều hơn cho phát triển công nghệ để tạo tác động nhanh vào nền kinh tế, trong khi vẫn duy trì nền tảng nghiên cứu cơ bản tại các có sở giáo dục đại học, làm cơ ở cho đổi mới dài hạn.
Phát triển KHCN và ĐMST trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm ĐMST, các quỹ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và đầu tư mạo hiểm.
Trong hệ sinh thái này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, đồng thời thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước.
Sự phối hợp giữa các chủ thể được thúc đẩy qua các chính sách như: Đặt hàng nhiệm vụ có tính liên kết viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế đồng tài trợ từ quỹ nhà nước và tư nhân, công nhận các trung tâm ĐMST làm đầu mối kết nối, và chính sách chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Từ đó, tạo nền tảng cho mối liên kết bền chặt, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của toàn hệ sinh thái KHCN/ĐMST quốc gia.
Chuyển đổi số toàn diện hoạt động KHCN và quản lý KHCN. Các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10 - 15 năm. Dự thảo Luật chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
HL/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-co-10-doi-moi-quan-trong-20250506155628555.htm