ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Quy định chi tiết hơn về cơ chế chấp nhận rủi ro
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu
Điểm mới của dự thảo Luật là quy định tại Điều 9 liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng ta trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; khuyến khích tinh thần nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; động viên, bảo vệ các nhà nghiên cứu khi kết quả nghiên cứu không đạt được như mong muốn hoặc thậm chí thất bại.
Tuy nhiên, cần có quy định chi tiết để tránh sự lạm dụng, bởi các quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo rất dễ dẫn đến thất thoát ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, phải nâng cao vai trò của các hội đồng, nhất là các hội đồng đánh giá, nghiệm thu, chọn đề tài, chọn nhà nghiên cứu để bảo đảm tính nghiêm túc cũng như bảo vệ tài sản công, bảo đảm chi tiêu công đúng mục đích.
Điều 38 dự thảo Luật quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Đầu tư mạo hiểm, tạm gọi là đầu tư có rủi ro, mà có rủi ro thì phải có sự thận trọng, phải chọn được nhân lực để quyết định có đầu tư hay không. Nếu chúng ta thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương rồi giao cho những cơ sở, những bộ phận không chuyên thì chắc chắn rủi ro là phần lớn. Cho nên, thay vì thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương thì nên tạo cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hiện có hoạt động hiệu quả hơn.
Hiện có gần chục quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam. Họ có đầy đủ kinh nghiệm, thực lực. Khi đầu tư vào doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, họ sẵn sàng chia sẻ không chỉ về vốn mà còn kinh nghiệm trong quản lý, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ, cho phép kênh phân phối hỗ trợ cho dự án thử nghiệm để đạt được thành công nhiều hơn.
Do vậy, nên cân nhắc Điều 38, có thể lồng ghép cơ chế hỗ trợ này tại Điều 63 và Điều 64 dự thảo Luật liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương.
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên): Làm rõ cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy của tổ chức khoa học và công nghệ công lập là tự chủ như thế nào; khác gì so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành? Đồng thời, cần làm rõ cơ sở chính trị và thực tiễn của đề xuất tự chủ tại dự thảo Luật và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để hoàn thiện về vấn đề này.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Luật để bảo đảm nội dung ngắn gọn, quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, loại khỏi dự thảo Luật những vấn đề của Chính phủ, các Bộ và cơ quan khác; những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam): Thúc đẩy nguồn lực xã hội tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ
ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu
Đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Qua đó, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ tinh thần của hai nghị quyết này, đặc biệt là phát triển đội ngũ trí thức là nhà giáo có trình độ cao và các nhà khoa học lớn nhằm tạo động lực để phát triển các viện nghiên cứu và các trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần tạo chính sách thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển về Việt Nam. Trong đó, sử dụng nguồn lực là các nhà khoa học và nhân lực nghiên cứu của Việt Nam tham gia, qua đó nâng dần trình độ khoa học, công nghệ, ứng dụng của các nhà khoa học nước ta.
Dự thảo Luật cũng cần thiết kế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia ứng dụng công nghệ, tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng. Vì đây là lực lượng doanh nghiệp tư nhân đông đảo nhất và có vai trò quan trọng nhất cần được quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển. Nếu được quan tâm chăm sóc và định hướng tốt trong ứng dụng khoa học, công nghệ, tiến hành đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì các “mầm non” tăng trưởng này sẽ có tốc độ tăng trưởng rất cao.
Ngoài ra, dự thảo Luật cần tiếp tục được hoàn thiện để trở thành khung kiến tạo cho các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo không gian cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giúp việc hợp tác trường - viện - doanh nghiệp thực chất, mang tính hữu cơ, phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên, từ đó tạo sự cộng hưởng trong hoạt động này.
Cần làm rõ hơn quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong dự thảo Luật; đồng thời, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để quy định khái quát nhất về quyền, nghĩa vụ của tổ chức tham gia thử nghiệm để làm cơ sở chung cho việc các luật khác quy định về nội dung này.
ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi): Không để lộ, lọt bí mật khoa học, công nghệ
ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) phát biểu
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm gắn kết và phát triển khoa học, công nghệ quân sự, công nghệ quốc phòng với sự phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo sức mạnh tổng hợp cho đất nước, có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao tham gia phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Nghiên cứu quy định rõ việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển số quốc gia, không tạo ra kẽ hở để lộ, lọt bí mật khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ mới, công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, kỹ thuật nghiệp vụ an ninh, chỉ huy tác chiến của lực lượng vũ trang, phù hợp với chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vừa được Quốc hội thông qua.
Về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, dự thảo Luật đã thể hiện chủ trương hình thành và phát triển các quỹ tài chính nhà nước phục vụ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo hành lang pháp lý minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của các quỹ, đồng thời bổ sung nguyên tắc, nhiệm vụ, dự án được hỗ trợ từ các quỹ trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phản biện khoa học; bảo đảm phù hợp với chiến lược quốc gia, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ mới, công nghệ sạch cũng như các lĩnh vực khó huy động vốn xã hội hóa.
T. Chi - P. Thủy - H. Ngọc - M. Trang ghi