Nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Hướng đến tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Về chính sách tiền lương và đãi ngộ đối với nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Nhà giáo hướng đến tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất chế độ ưu tiên về tiền lương, phụ cấp (cao hơn) đối với nhà giáo cấp học mầm non; công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập;…
Bên cạnh đó, dự thảo cũng có quy định riêng về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.
Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương
Cụ thể, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo được đề cập ngay tại Điều 1, dự thảo Luật Nhà giáo (phạm vi điều chỉnh): "Luật này quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo".
Khoản 5, Điều 6 quy định về chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nêu rõ: "Ưu tiên về tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo".
Đặc biệt, dự thảo Luật Nhà giáo đã dành riêng 1 chương (Chương V) quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo (từ Điều 27 đến Điều 31).
Cụ thể, về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), dự thảo quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".
Đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo
Khoản 2, Điều 6 quy định: "Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lươngcủa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác".
Đối với nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù, khoản 3, Điều 6 nêu rõ: "Đối với nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo".
Khoản 4. Điều 6, đề xuất giao "Chính phủ quy định chi tiết tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo".
Chính sách hỗ trợ nhà giáo
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, Điều 28 quy định, Chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc; Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.
Ngoài chính sách nêu trên, nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong số các chính sách:
Được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định;
Được chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.
Bên cạnh đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục…
Nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được hưởng một số chính sách hỗ trợ.
Chính sách thu hút nhà giáo
Về chính sách thu hút nhà giáo, Điều 29 quy định, đối tượng hưởng chính sách thu hút gồm: Người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo. Nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Các chính sách thu hút bao gồm: Được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút. Bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài các chính sách thu hút nêu trên, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách thu hút đối với viên chức và các chính sách thu hút khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách thu hút nhà giáo phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp địa phương, cơ sở giáo dục.
Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Điều 30 quy định: Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định của pháp luật có liên quan trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Khoản 2, Điều 30 quy định: "Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi".
Về chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, điều 31 quy định: Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện.
Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
Dự thảo đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao đối với nhà giáo ở các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù./.