Dự thảo Luật Nhà giáo đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8: Giáo viên quan tâm điều gì?

Dự thảo Luật Nhà giáo đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8: Giáo viên quan tâm điều gì?
3 giờ trướcBài gốc
Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu có khả thi?
Ngày 8/10, tại Chương trình Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Đáng chú ý, nêu quan điểm thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo tại Báo cáo số 608/BC-CP của Chính phủ và cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với nhà giáo; kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, xung đột pháp lý; đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm thi hành Luật đối với từng chính sách.
Liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo, quy định về lương nhà giáo và cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức là hai nội dung nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của thầy cô giáo.
Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu
Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo quy định: "Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Nhà giáo bậc mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên tiền lương và phụ cấp cao hơn.
Khi tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".
Hiện nay, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông mới ra trường thì được hưởng lương hạng 3, hệ số 2,34, tương đương khoảng hơn 6,3 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm các loại.
Nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua thì giáo viên được tuyển dụng lần đầu sẽ hưởng lương hạng 3, hệ số 2,67, tương đương khoảng hơn 7,2 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm các loại. Hay nói cách khác, giáo viên được tuyển dụng lần đầu sẽ được tăng lương trước 4 năm (gồm 1 năm tập sự).
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức viên chức (trong đó có giáo viên) và người lao động được xét nâng 01 bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên.
Tuy vậy, không ít giáo viên lo ngại rằng, giả sử Luật Nhà giáo được thông qua thì không biết quy định "Khi tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" có mâu thuẫn với Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hay không.
Đề xuất cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức
Tại khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật Nhà Giáo, có 6 hành vi bị nghiêm cấm với tổ chức, cá nhân được đề xuất như sau:
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;
Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;
Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng dạy học;
Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;
Trả lương không đúng theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
Nội dung đề xuất cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức được nhiều giáo viên ủng hộ, bởi lẽ, Điều 72 Hiến pháp 1992 quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" và tiếp tục ghi nhận tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Phan Anh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-luat-nha-giao-du-dieu-kien-trinh-ky-hop-thu-8-giao-vien-quan-tam-dieu-gi-17924101113251785.htm