Có nên phân định thẩm quyền triệt để hơn cho tòa án nhân dân khu vực?
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao việc dự thảo Luật lần này đã sửa đổi các quy định về tổ chức hệ thống tòa án. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống tòa án gồm: Tòa án Nhân dân tối cao; Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án Nhân dân khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật hiện hành).
ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, việc phân quyền, tăng thẩm quyền lần này cho Tòa án nhân dân khu vực là sự phân định thẩm quyền và phân quyền mạnh mẽ, quyết liệt nhất từ trước đến nay. Bởi lẽ, tòa án nhân dân khu vực được thực hiện việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc từ hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thậm chí phá sản và sở hữu trí tuệ. “Lần phân quyền này rất mạnh mẽ, những loại án hay tòa chuyên trách trước đây chưa có ở tòa án nhân dân cấp huyện đã được giao cho tòa án nhân dân khu vực thực hiện”, đại biểu nêu rõ.
Trước một số ý kiến còn băn khoăn về khả năng thực hiện các thẩm quyền giao cho tòa án nhân dân khu vực, các ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Sang... cho rằng, từ Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 tới nay, trong hơn 10 năm qua trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp của thẩm phán đã được nâng lên rất nhiều. Cùng với đó, việc chỉ đạo, hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ thông qua công tác điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ sau khi thành lập tòa án khu vực sẽ giải quyết được vấn đề này.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Dù lần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tòa án nhân dân này đã phân định thẩm quyền, phân quyền rất mạnh cho tòa án nhân dân cấp khu vực, nhưng đại biểu Lê Thanh Hoàn nhận thấy, vẫn chưa phân cấp, phân quyền một cách triệt để. Bởi, theo quy định tại dự thảo Luật, tòa án nhân dân khu vực chỉ được xét xử đến án hình sự dưới 20 năm tù, còn lại án trên 20 năm tù đối với hình sự vẫn giao thẩm quyền cho cấp tỉnh.
“Nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc cải cách liên quan đến tổ chức bộ máy một cách triệt để, thì phải phân quyền cho tòa án nhân dân cấp khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự". Với việc phân định thẩm quyền xét xử triệt để như vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện xét xử phúc thẩm và không cần thiết phải thành lập lại 3 tòa phúc thẩm trên cơ sở không tổ chức 3 tòa cấp cao, trong khi sẽ bảo đảm tòa án tới gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Giải trình về vấn đề đại biểu Quốc hội đưa ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước khi xây dựng dự thảo Luật này, Đảng ủy Tòa án Nhân dân tối cao đã xây dựng đề án, lấy ý kiến các địa phương, bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua. Qua lấy ý kiến các địa phương, bộ, ngành cho thấy, mô hình tổ chức tòa án cần có lộ trình để đồng bộ với cơ quan tố tụng khác, phù hợp với năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thẩm phán hiện nay. Do đó, Chánh án Lê Minh Trí cho biết, dù giao hết về cho tòa án nhân dân khu vực nhưng còn tỷ lệ án trên 20 năm, chung thân, tử hình vẫn nằm ở cấp tỉnh.
Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, dù tòa án nhân dân khu vực có thành lập và tăng cường nhân lực thế nào thì trước mắt không thể đáp ứng, an tâm với việc giao quyền xét xử liên quan đến các mức án trên 20 năm tù, chung thân, tử hình. Chỉ rõ thực tế này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, khi mọi điều kiện đã bảo đảm đồng bộ, thì sẽ trở về mô hình lý tưởng, tức là sơ thẩm một cấp, phúc thẩm một cấp và giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc Tòa án Nhân dân tối cao.
Khẳng định quyết tâm dám nghĩ lớn, dám làm lớn, sẵn sàng hội nhập
Quan tâm đến việc thành lập Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, ngày 6/5 vừa qua, Bộ Chính trị có kết luận về một số nội dung của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, giao cho Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu thành lập Tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế và chỉ đạo Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số nguyên tắc của hệ thống thông luật Common law (hệ thống pháp luật dựa trên các án lệ, tức là các phán quyết của tòa án trong các vụ án cụ thể). Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này chưa kịp thời thể chế hóa nội dung nêu trên.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế - một bệ phóng quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, đã có từ lâu và hiện đang trở thành hiện thực, sau khi Bộ Chính trị thông qua chủ trương, định hướng và những nội dung lớn cho việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Với kết luận ngày 6/5 vừa qua của Bộ Chính trị, đại biểu cho rằng, đã cho thấy rõ quyết tâm "dám nghĩ lớn, dám làm lớn và sẵn sàng hội nhập cùng thế giới".
Qua nghiên cứu ý kiến các chuyên gia quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, sự thành công của một Trung tâm tài chính quốc tế nằm ở yếu tố then chốt là niềm tin của các nhà đầu tư. Kinh nghiệm thành công trên thế giới cho thấy, niềm tin ấy không dựa trên những cao ốc hào nhoáng mà được hình thành một cách quyết liệt, bền bỉ thông qua thể chế, pháp luật. Do vậy, theo đại biểu, với Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tốt chính là lời cam kết vững chắc của quốc gia rằng mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử một cách công bằng và không ai có quyền can thiệp vào những nguyên tắc đã được định ra trước đó.
“Nếu như thiếu đi một hệ thống pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, thì chắc chắn sẽ không một nhà đầu tư nào dám để lại một USD cho dù là có cam kết miễn thuế 100% hoặc cơ sở hạ tầng có hiện đại đến mấy đi chăng nữa”, đại biểu chỉ rõ.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Dẫn lại kinh nghiệm từ các mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành công trên thế giới, như Trung tâm tài chính quốc tế Dubai tại UAE hay Trung tâm tài chính quốc tế tại Kazakhstan đều hoạt động dựa trên nền tảng của mô hình thông luật Common law - là hệ thống pháp luật dựa trên án lệ rất uyển chuyển, rất linh hoạt nhưng rất ổn định và đặc biệt là tính minh bạch rất cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Điều 4 về hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân quy định về Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, bên cạnh Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp khu vực như thể hiện trong dự thảo Luật.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung vào Điều 48 về Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật, làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp tại trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, theo đại biểu, cần bổ sung vào các Điều 94, 95 về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán những tiêu chuẩn có tính chất mở và mang tính chất đặc thù, làm cơ sở cho việc tuyển chọn thẩm phán xét xử tại trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
Đại biểu cũng nêu rõ, dự thảo Luật không nên quy định quá cụ thể về thẩm quyền của Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, thay vào đó Tòa án Nhân dân tối cao cần sớm có đề án để giải quyết toàn diện vấn đề này. Trong đó, chú trọng giải quyết các vấn đề, như tổ chức bộ máy bên trong của tòa án này; mối quan hệ về mặt tố tụng giữa tòa án chuyên biệt với các tòa án khác trong hệ thống tòa án; việc tuyển chọn nhân lực thẩm phán cho hoạt động xét xử tại trung tâm này... Đặc biệt, trong đề án này cần giải quyết vấn đề liên quan đến các nguyên tắc và trình tự tố tụng cho hoạt động của Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Báo cáo giải trình về đề xuất của đại biểu, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, việc thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Đây cũng là vấn đề lớn và rất mới với nước ta, do đó, Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng quy định về nguyên tắc có Tòa án chuyên biệt này...; đồng thời tổ chức nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của quốc tế để khẩn trương báo cáo đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định.
“Chúng tôi sẽ suy nghĩ và tính toán một kế hoạch cho việc đào tạo thẩm phán có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu giải quyết các loại tranh chấp trong Trung tâm tài chính quốc tế; đây là vấn đề rất mới nhưng phải khẩn trương thực hiện theo chủ trương của cấp thẩm quyền đã giao”, Chánh án Lê Minh Trí khẳng định.
Thanh Hải