ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình):
Thành lập cơ chế điều phối khu vực hoặc liên tỉnh để xử lý các vấn đề vượt quá phạm vi một tỉnh
ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) phát biểu
Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương (Điều 11), khoản 3 quy định chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương. Khoản 2 Điều này quy định nguyên tắc phân quyền nhưng chưa xác định cụ thể cơ chế điều phối giữa Trung ương và địa phương khi có xung đột thẩm quyền.
Do đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương; xác định rõ biện pháp xử lý khi có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cân nhắc cụ thể hóa những nội dung mà chính quyền địa phương các cấp có toàn quyền quyết định và những nội dung cần có sự chấp thuận của Trung ương; quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trong việc phối hợp khi có xung đột thẩm quyền; quy định rõ hơn về cách giải quyết các vấn đề liên tỉnh như tài nguyên nước, môi trường, giao thông... Thành lập cơ chế điều phối khu vực hoặc liên tỉnh để xử lý các vấn đề vượt quá phạm vi một tỉnh.
Về phân quyền tại Điều 12 dự thảo Luật, điều này mới chỉ quy định chung về phân quyền với 4 khoản, nhưng chưa có danh mục cụ thể các nhiệm vụ được phép phân quyền, khiến việc triển khai dễ bị lúng túng hoặc lạm quyền. Việc quy định chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền (tại khoản 2) là cần thiết nhưng thiếu cơ chế điều chỉnh khi phân quyền không hiệu quả hoặc gây khó khăn trong thực tế.
Chính phủ cần ban hành danh mục cụ thể về các lĩnh vực có thể phân quyền cho địa phương, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất. Bổ sung quy định về đánh giá định kỳ hiệu quả của việc thực hiện phân quyền. Nếu nhiệm vụ được phân quyền không đáp ứng được yêu cầu, cần có quy trình thu hồi hoặc điều chỉnh. Cơ quan nhà nước cấp trên phải có cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với những nội dung phân quyền để bảo đảm tuân thủ pháp luật.
ĐBQH Phan Thị Thanh Phương (TP. Hồ Chí Minh):
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản về phân cấp, phân quyền, ủy quyền
ĐBQH Phan Thị Thanh Phương (TP. Hồ Chí Minh)
Chương III dự thảo Luật đã xác định rất rõ, rành mạch các khái niệm phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và những quy tắc, điều kiện, cách thức để thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực, cần gắn với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi và bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho phù hợp. Bởi, nếu không rà soát hết các quy định pháp luật chuyên ngành, thì khi chúng ta phân công, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương rất rõ nhưng các luật chuyên ngành không đồng bộ sẽ dẫn tới không áp dụng được vào thực tế.
Điều 43, dự thảo Luật quy định, “hàng năm chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị đối thoại với Nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Đề nghị nghiên cứu thêm theo hướng tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền địa phương cấp xã với Nhân dân ít nhất 2 lần mỗi năm. Vì thực tế hiện nay, ở cấp huyện chúng ta đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền với Nhân dân 2 lần/năm, chưa kể các hội nghị nhân dân định kỳ do quận, phường tổ chức hàng quý, hàng tháng. Các cơ chế đối thoại giữa chính quyền với Nhân dân chúng ta đang làm rất tốt, giúp giải quyết được những vấn đề thực tiễn của người dân và cuộc sống đặt ra, do vậy, dự thảo Luật nên tiếp tục kế thừa.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi):
Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc lấy ý kiến của Nhân dân
Về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính, đề nghị quy định việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính là quy trình bắt buộc nhằm tạo đồng thuận của người dân.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi)
Việc quy định trình tự, thủ tục lấy ý kiến của người dân là rất quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung vào khoản 3, khoản 4, Điều 10 của dự thảo Luật quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân; trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc giám sát việc lấy ý kiến của Nhân dân để bảo đảm việc lấy ý kiến thực chất, khách quan, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân.
Khoản 3, Điều 34 dự thảo Luật quy định: Khi có trên 10% số cử tri ở cấp xã có đơn yêu cầu (có chữ ký) thì Thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm tổ chức kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất để bàn về nội dung mà cử tri kiến nghị. Đây là quy định mới, rất cần thiết để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân địa phương. Tuy nhiên, để quy định trên bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đại diện cho cử tri địa phương để kiến nghị HĐND xã tổ chức cuộc họp nêu trên khi xác nhận đơn yêu cầu của cử tri địa phương là hợp lệ (đầy đủ chữ ký, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ của từng người ký tên).
ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh):
Nên quy định UBND cấp tỉnh kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện ký trước 1/7/2025
ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh)
Khoản 3 Điều 54 về quy định chuyển tiếp liên quan đến thỏa thuận quốc tế của cấp huyện, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định: “Kể từ ngày 1/7/2025, UBND cấp tỉnh chỉ định UBND cấp xã kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện và của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được ký kết trước ngày 1/7/2025”.
Tôi cho rằng quy định này chưa hợp lý vì theo quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020, chính quyền cấp xã nói chung không ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, trừ UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Việc cấp xã không được ký kết thỏa thuận quốc tế mới mà lại kế thừa thực hiện thỏa thuận quốc tế là không hợp lý và gây khó khăn cho cấp xã. Ngay cả đối với các thỏa thuận quốc tế của các xã biên giới thì thẩm quyền quyết định việc ký kết này thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh (Điều 7 Nghị định số 64/2021/NĐ-CP của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức). Như vậy, về nguyên tắc, việc phân cấp cho UBND cấp xã kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện vẫn có thể dẫn đến tình trạng UBND cấp xã cần báo cáo UBND cấp tỉnh về các vấn đề liên quan đến việc kế thừa, thực hiện thỏa thuận quốc tế của cấp huyện.
Mặt khác, việc UBND cấp tỉnh chỉ định UBND cấp xã có thể gây ra tình trạng khó thực hiện, không khả thi do khó xác định xã nào phù hợp để kế thừa. Một huyện trước đây có thể bao gồm một số xã, vậy căn cứ xác định xã đầu mối thực hiện là xã nào, cơ chế phối hợp thực hiện thỏa thuận quốc tế như thế nào? Đồng thời, cũng cần tính đến tính đối đẳng với phía đối tác nước ngoài đã ký thỏa thuận quốc tế với cấp huyện.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2024, UBND cấp huyện đã ký kết 35 thỏa thuận quốc tế cấp huyện, trong đó, ngoài các văn bản thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác nói chung còn có một số thỏa thuận quốc tế với các nội dung thực hiện cụ thể, gắn với các dự án cụ thể trên phạm vi cả huyện chứ không chỉ một xã cụ thể trong huyện này.
Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về việc ký kết của cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện. Đề nghị tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao về quy định chuyển tiếp này. Theo đó, nên quy định theo hướng UBND cấp tỉnh kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện được ký kết trước ngày 1/7/2025. Trên cơ sở quy định này của Luật, UBND cấp tỉnh sẽ tiến hành rà soát để đề xuất đối tác ký lại, hoặc nâng cấp thành thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh hoặc chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế cấp huyện.
Thanh Chi - Hoàng Ngọc - Minh Trang ghi