Chính sách việc làm bao trùm mọi đối tượng
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Dự thảo luật được chỉnh lý theo nguyên tắc quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có những chính sách hỗ trợ riêng cho nhóm yếu thế như người cao tuổi, thanh niên, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Đáng chú ý, Dự thảo đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến đăng ký lao động, quy định rõ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đăng ký lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động; cập nhật, kết nối dữ liệu lao động với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Những thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho người lao động tham gia thị trường.
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - KCN Hàm Kiệm II.
Về hệ thống thông tin thị trường lao động, Dự thảo chỉ giữ lại các quy định mang tính nguyên tắc chung, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn quản lý. Đồng thời, các nội dung về kết nối dữ liệu giữa thị trường lao động và các cơ sở dữ liệu khác cũng được làm rõ để phục vụ khai thác thông tin hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số. Đối với tổ chức dịch vụ việc làm, Dự thảo thay đổi cách tiếp cận, không chỉ giới hạn trong Trung tâm dịch vụ việc làm công, mà mở rộng khái niệm bao gồm cả doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Chính phủ sẽ quy định điều kiện, tổ chức và hoạt động của các tổ chức này, phù hợp với xu hướng xã hội hóa và phát triển dịch vụ công.
Bảo vệ người lao động
Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung góp ý về chính sách việc làm công, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, chuyển đổi nghề, phát triển thị trường lao động, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp… Nhiều ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Lao động và các luật liên quan. Có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh, việc người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, để thông báo về việc tìm kiếm việc làm là không cần thiết. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động. Với tinh thần đổi mới, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) thể hiện nỗ lực lớn trong hoàn thiện thể chế, cải thiện chính sách để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, gia tăng cơ hội việc làm và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bối cảnh hội nhập và phục hồi sau đại dịch.
Nhìn chung, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo nguyên tắc quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt các đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những quy định chính sách hỗ trợ riêng cho một số đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế. Các quy định này đều được thiết kế để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với pháp luật chuyên ngành, như: Luật Người cao tuổi, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
T.HÀ