Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Trợ cấp thất nghiệp phải bảo đảm được mức sống tối thiểu

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Trợ cấp thất nghiệp phải bảo đảm được mức sống tối thiểu
14 giờ trướcBài gốc
Nên nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 41 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định: "mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp”.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh qhvn
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% tiền lương là mức thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh. “Tham chiếu quốc tế cho thấy, theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 - 75% thu nhập bình quân, nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang áp dụng mức 66 - 70%”, đại biểu Thạch Phước Bình đưa ra dẫn chứng.
Theo đó, đại biểu Thạch Phước Bình đã kiến nghị dự thảo luật sửa đổi theo hướng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối thiểu bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.
Cùng với đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình, tại khoản 4, Điều 4 của dự thảo luật quy định "hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc", điều này là tích cực khi mở rộng chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế. Tuy nhiên, cụm từ "sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" lại không rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm, không rõ việc sắp xếp này ảnh hưởng đến ai, người lao động bị cắt giảm do sắp xếp có được ưu tiên tái bố trí đào tạo lại, chuyển đổi việc làm không. Mặt khác, dự thảo luật chưa cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo AI, Robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động, nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đã kiến nghị sửa đổi theo hướng làm rõ hỗ trợ chuyển đổi nghề đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bổ sung một khoản riêng là "có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo” nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm.
Sử dụng vốn hỗ trợ việc làm phải đúng mục đích
Cho ý kiến về quy định vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Điều 9, Điều 10 của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, các điều khoản hiện tại chỉ dừng lại ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn vay và xử lý rủi ro, dự thảo không quy định rõ về cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn. Theo đó, điều này tạo khoảng trống pháp lý, dễ dẫn đến việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất hoặc nợ xấu kéo dài.
Cần khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề. Ảnh: Thái Yến
Từ phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung người vay vốn có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương hoặc Ngân hàng chính sách xã hội.
“Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc có dấu hiệu gian lận, tổ chức cho vay có quyền dừng giải ngân, thu hồi vốn sớm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật”, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình, biện pháp hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài cũng cần được quan tâm. Khoản vay để đi làm việc nước ngoài rất rủi ro vì người lao động có thể bị chấm dứt hợp đồng sớm, bị tai nạn lao động, rủi ro dịch bệnh hoặc không nhận được thu nhập như cam kết. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đã đề xuất bổ sung quy định trường hợp người lao động không hoàn thành hợp đồng lao động do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, đơn phương chấm dứt từ phía đối tác nước ngoài được xem xét giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc được hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ việc làm.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng, hệ thống phát triển kỹ năng nghề là nền tảng then chốt để tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các điều khoản hiện tại chỉ mới thiên về kỹ thuật và hành chính, chưa chú trọng đến gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như quy trình cập nhật định kỳ tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Trên cơ sở đó, đại biểu Thạch Phước Bình đã đề xuất bổ sung rõ Nhà nước khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, đánh giá kỹ năng nghề. Các doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động có trách nhiệm phối hợp với ít nhất một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề theo mô hình kép.
Thái Yến
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-tro-cap-that-nghiep-phai-bao-dam-duoc-muc-song-toi-thieu-10373034.html