Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp vẫn kêu vướng

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp vẫn kêu vướng
3 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp quan tâm đến Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh tư liệu
Thương nhân phân phối không được mua bán với nhau
Theo Bộ Công thương, dự thảo nghị định có nhiều điểm mới, trong đó, đáng chú ý là quy định thương nhân phân phối không được mua bán với nhau chỉ được mua hàng từ thương nhân đầu mối.
Phá bỏ độc quyền trong kinh doanh xăng dầu
"Xóa bỏ độc quyền, cần phải có sự thay đổi lớn về chất của chuỗi cung ứng xăng dầu. Mặc dù có nhiều nghị định để thay đổi phương thức hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng mỗi lần sửa thì lại phát sinh các vướng mắc mới cho sản xuất kinh doanh nhập khẩu xăng dầu. Luật Cạnh tranh 2024 nêu rõ, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85 thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường" - Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay, quy định này sẽ loại bỏ được việc tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường. Hơn nữa, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường, nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Quy định này nhận được nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu và chuyên gia kinh tế. Ông Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay đang vận dụng theo mô hình quản lý hàng dọc. Đó là hàng hóa từ đầu mối, bán cho thương nhân phân phối, thương nhân phân phối cấp xuống đại lý và đại lý bán cho cửa hàng để cửa hàng bán lẻ cho người dân. Quy định thương nhân phân phối không được mua bán với nhau làm khó thương nhân khi nguồn cung giá cả trên thị trường có sự biến động lên xuống. "Nút thắt" lớn nữa đối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu gặp phải là chiết khấu thấp. Trong chuỗi phân phối này, thường xuyên có sự nghi ngờ về hoa hồng giữa các bậc phân phối thấp. Nhà nước đã ấn định giá trần xăng dầu nên hoạt động kinh doanh không thể "nhảy" qua mức giá đã quy định.
Nếu giá giảm, doanh nghiệp đầu mối nhập về lỗ trước, nên buộc phải siết chiết khấu để giảm lỗ cho mình. Các nấc phân phối sau cũng sẽ thực hiện tương tự và thương nhân bán lẻ, các cửa hàng phân phối sẽ không còn gì. Khi giá xăng điều chỉnh giảm, khiến cho đại lý bán lẻ không đủ chi phí hoạt động. Sau ngày điều chỉnh giá, khi giá xăng dầu được nâng giá lên thì tự nhiên hàng hóa có sẵn. Điều này cho thấy, rõ ràng là đầu mối giữ hàng lại, siết chiết khấu để chống lỗ.
Đồng thuận với đề xuất nêu trên, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam lý giải, doanh nghiệp gặp rủi ro khi giá xăng dầu thị trường thế giới xuống thấp, thì doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ chịu lỗ giá vốn khi giá bán trong nước điều chỉnh giảm... Do đó, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ bị bóp lại, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn khi chiết khấu không đủ chi phí.
Tạo bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu
Tại tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu” diễn ra trung tuần tháng 10/2024, ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là một trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia, luôn được chỉ đạo sát của Bộ Chính trị, Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch và sở hữu hình thức đa dạng hóa.
Nhiều ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, muốn khẳng định nền kinh tế thị trường, thì doanh nghiệp cần được quyền tự chủ và tự do kinh doanh. Việc cấm mua bán vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh.
Ở góc độ doanh nghiệp, liên quan đến dự thảo nghị định, ông Giang Chấn Tây- Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc góp ý, vấn đề cần giải quyết là làm sao tách các doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối) ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ để các cửa hàng bán lẻ hạch toán độc lập. Giải quyết vấn đề như thế thì toàn bộ các doanh nghiệp bán lẻ mới hoạt động bình đẳng. Hiện cả nước có gần 280 thương nhân phân phối xăng dầu, trong khi đó số thương nhân đầu mối là 34.
Làm rõ quan điểm này, ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện Việt Nam đã ở giai đoạn có đủ các điều kiện để hội nhập vào thị trường. "Vì thế, doanh nghiệp phải được tự do mua bán, phải cạnh tranh hoàn hảo 'trăm người bán, vạn người mua" - ông Cường nhấn mạnh. Bởi, theo ông, đã nói thị trường nhưng lại giới hạn thì sẽ là kinh tế thị trường bị sai lệch, kể cả việc mua của nhà sản xuất, luật không ai quy định cấm kiểu này. Khi thị trường hóa, sẽ giải quyết được vấn đề chiết khấu hiện nay.
Nghiên cứu, áp dụng sàn giao dịch xăng dầu
Để hoạt động kinh doanh xăng dầu minh bạch theo cơ chế thị trường, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ chỉ đạo thành lập sàn giao dịch xăng dầu.
Trước những vấn đề bất cập của thị trường xăng dầu thời gian qua, để minh bạch và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH ngày 18/7/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, áp dụng mô hình sàn giao dịch xăng dầu.
Việc thành lập sàn kinh doanh xăng dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu. Đồng thời, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua.
Theo các doanh nghiệp, thành lập sàn giao dịch cũng giúp cơ quan quản lý được chất lượng hàng hóa, quản lý được hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng dầu... Khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu.
Song Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-thao-nghi-dinh-moi-ve-kinh-doanh-xang-dau-doanh-nghiep-van-keu-vuong-162434-162434.html