Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên. Trong kế hoạch này, Bộ sẽ xây dựng 3 Nghị định trình Chính phủ và ban hành 18 Thông tư theo thẩm quyền.
Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp sẽ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 1-6. Ảnh minh họa: AI
Trong số các văn bản quan trọng, Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai được đặc biệt chú trọng. Dự thảo Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1-6-2025.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Lê Minh Ngân được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, với Cục Quản lý Đất đai là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan. Hồ sơ sẽ được hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 10-5.
Tại buổi làm việc ngày 23-4 vừa qua về xây dựng dự thảo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh ý nghĩa then chốt của Nghị định trong việc cụ thể hóa Luật Đất đai, đồng thời góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp. Theo ông, nghị định sẽ giúp tăng cường tính tự chủ cho địa phương, giảm tải cho cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền: HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một số thẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện. Riêng đối với đất có mặt nước như ao, hồ, đầm nằm trên địa bàn nhiều xã, phường, thẩm quyền quản lý sẽ thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 188.
Chính quyền cấp xã cũng sẽ tiếp tục thực hiện các thẩm quyền đã được quy định trong Luật hiện hành.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lồng ghép các thủ tục liên quan giữa lĩnh vực đất đai và lâm nghiệp, đồng thời nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa giao đất và giao rừng, đặc biệt là chính sách đền bù cây rừng. Các nội dung này sẽ được tham vấn ý kiến từ các địa phương để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Một mục tiêu quan trọng của Nghị định là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai khoảng 30%, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, không để việc giải quyết thủ tục bị chi phối bởi ranh giới hành chính.
Cùng với Nghị định về đất đai, hai Nghị định khác cũng đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xây dựng, gồm Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường cùng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Ngoài ra, 18 Thông tư sẽ được ban hành để hướng dẫn thực hiện trong các lĩnh vực như: tài nguyên nước, môi trường, khí hậu, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, địa chất, khoáng sản, và nhiều lĩnh vực khác.
Việc triển khai đồng bộ các văn bản nói trên được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc, bảo đảm hiệu quả trong tổ chức bộ máy và quản lý Nhà nước tại các địa phương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển bền vững.
Dự kiến, toàn quốc sẽ áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) sau khi giải thể cấp huyện từ 1-7 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chính phủ.
A.HIỀN-N.HINH