BPO - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân ta, là mốc son lịch sử mới cho đất nước Việt Nam vươn mình. Vì thế, việc hoàn thành dự thảo các văn kiện phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng và phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Để đạt được mục tiêu nêu trên, trước hết các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng phải thực sự là công trình kết tinh tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến nội dung quan trọng nhất của dự thảo các văn kiện, đó là chủ đề đại hội. Vì chủ đề chứa đựng những tư tưởng chủ yếu được quán triệt trong toàn bộ nội dung báo cáo chính trị và các báo cáo khác của văn kiện đại hội. Đặc biệt, chủ đề đại hội phản ánh những quan điểm, tư tưởng cơ bản chỉ đạo hoạt động lý luận, thực tiễn của Đảng và dân tộc trong một nhiệm kỳ hay một giai đoạn. Nói cách khác, chủ đề của đại hội là tuyên bố, thông điệp chính trị, thể hiện các quan điểm lớn của Đảng cầm quyền về các vấn đề đối nội, đối ngoại và là sự khẳng định các giá trị căn bản, nguyên tắc trong lãnh đạo phát triển đất nước, dân tộc. Đồng thời, chủ đề đại hội còn có ý nghĩa định hướng phát triển quốc gia, dân tộc trong một thời gian, không gian cụ thể theo những mục tiêu nhất định. Với ý nghĩa đó, chủ đề đại hội là sự kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân, là ngọn cờ dẫn dắt, là cương lĩnh hành động của Đảng và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.
Chính vì thế, trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, chủ đề của Đại hội XIV không những hàm chứa tính khái quát rất cao mà còn kế thừa có chọn lọc văn kiện các đại hội của Đảng; đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới sáng tạo và tạo bước đột phá để phát triển đất nước trong tình hình mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt, chủ đề Đại hội XIV đã bổ sung mệnh đề hoàn toàn mới: “Vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Nội dung thứ hai được chia sẻ trong bài viết này là phương châm của Đại hội XIV. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra phương châm “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển”. Song, trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIV, phương châm của đại hội đã thay cụm từ “sáng tạo” bằng cụm từ “đột phá” và được sửa đổi, bổ sung thành: “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đột phá - phát triển”. Và sự thay đổi này đã nhận được sự đồng thuận cao của đảng viên cũng như nhân dân cả nước.
Xét về ngữ nghĩa thì cụm từ sáng tạo có nghĩa là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần với cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có. Nói tóm lại, sáng tạo là quá trình tư duy có chủ đích nhằm tìm kiếm, sáng chế hay phát minh ra những thứ mới. Thứ mới có thể chưa từng tồn tại trước đó hoặc đã từng có nhưng lại được xây dựng theo cách mới.
Còn đột phá là vượt qua trở ngại để đạt thành tựu mới. Và xét dưới góc độ tư duy, đột phá không chỉ là việc cải tiến hiện tại mà còn liên quan đến việc tạo ra những thay đổi đột ngột và độc đáo. Nói cách khác, đột phá là sự vượt qua một cách đột ngột và tích cực những rào cản, giới hạn hoặc khuôn mẫu đã tồn tại trước đó, dẫn đến những thành tựu hoặc sự thay đổi mang tính cách mạng trong một lĩnh vực nào đó. Và khi đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới thì rất cần đột phá trên tất cả lĩnh vực, từ thể chế quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội đến đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Như vậy, phương châm của Đại hội XIV được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị không những kế thừa sâu sắc quan điểm của Đại hội XIII mà còn phát triển lên tầm cao mới và phù hợp với tình hình thực tế đất nước trong giai đoạn mới.
Qua nghiên cứu kỹ những nội dung cơ bản trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng cho thấy, dự thảo có nhiều đổi mới cả trong cấu trúc và nội dung thể hiện. Trong đó, nhiều nhận thức mới được kế thừa, bổ sung và phát triển từ những kỳ đại hội trước. Đặc biệt là từ thực tiễn sau gần 40 năm đổi mới và trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIV đã cho thấy nhận thức mới của Đảng và được thể hiện rõ ở chủ đề, phương châm của Đại hội XIV. Không những thế, điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng cũng đã thể hiện rõ sự chuẩn bị công phu, khoa học, kết tinh trí tuệ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Chính vì thế, người viết hoàn toàn nhất trí cao với chủ đề và phương châm được nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Bởi lẽ đây là cơ sở quan trọng để thống nhất tư duy, nhận thức mới trong toàn Đảng, toàn dân, tạo khối thống nhất về ý chí và hành động thực hiện nghị quyết sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Diệp Viên