Theo Avalon Owens, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard, ánh sáng nhân tạo có thể khiến côn trùng bị phân tâm khỏi các hoạt động sống quan trọng như tìm kiếm thức ăn, giao phối hoặc sinh sản, từ đó dẫn đến suy giảm số lượng quần thể.
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho hiện tượng này. Một trong số đó cho rằng, các loài côn trùng sống về đêm vốn dựa vào ánh sáng phát ra từ Mặt Trăng để định hướng trong không gian. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ánh sáng nhân tạo khiến chúng nhầm lẫn và tin rằng đó là ánh trăng, dẫn đến việc thay đổi hướng bay.
Một giả thuyết khác lại cho rằng côn trùng có thể đang tìm kiếm bóng tối để trú ẩn, nhưng lại bị đánh lừa bởi một hiện tượng có tên là "ảo ảnh quang học". Hiện tượng này xuất hiện ở phần rìa của vùng ánh sáng, nơi trông có vẻ tối hơn phần còn lại của màn đêm, khiến côn trùng nhầm lẫn.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, vào năm 1965, một nhà nghiên cứu từng đưa ra giả thuyết cho rằng ánh sáng nhân tạo có thể bắt chước pheromone giao phối của côn trùng, kích thích hành vi tình dục và khiến chúng bị thu hút. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các giả thuyết này đều bị bác bỏ vì thiếu bằng chứng khoa học xác đáng.
Một bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu hiện tượng này đến từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đầu năm 2024. Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London đã phát hiện hành vi bất ngờ của côn trùng: nhiều loài như bướm đêm hay chuồn chuồn luôn quay lưng về phía ánh sáng, thậm chí bay lộn ngược khi đến gần nguồn sáng.
Thông qua phân tích 477 video ghi lại chuyển động của côn trùng, nhóm nghiên cứu cho rằng một số loài có thể đang cố gắng sử dụng ánh sáng để tự định hướng không gian. Tuy nhiên, khi ánh sáng được đặt gần sát mặt đất, các loài côn trùng này lại bị rối loạn và mất hoàn toàn khả năng điều hướng, dẫn đến việc bay lộn ngược rồi rơi xuống sàn.
"Thông thường, ánh sáng có nghĩa là bay lên, và bóng tối nghĩa là đi xuống", nhà nghiên cứu Avalon Owens giải thích. "Nhưng ánh sáng nhân tạo đã làm đảo lộn quy tắc này, khiến côn trùng bay tới những nơi hoàn toàn không phải điểm đến mong muốn."
Dù nghiên cứu này đã phần nào hé lộ lý do vì sao côn trùng bị hấp dẫn bởi ánh sáng, nhưng nó vẫn chưa thể lý giải vì sao chúng có thể phát hiện và tìm đến nguồn sáng từ khoảng cách rất xa, hoặc tại sao một số loài lại dường như "mắc kẹt" trong vùng ánh sáng.
Các nhà khoa học kỳ vọng, trong tương lai gần, sự phát triển của công nghệ camera và các phương pháp phân tích hành vi hiện đại hơn sẽ giúp giải mã hoàn toàn bí ẩn này. "Con người hiện vẫn chưa có đầy đủ công cụ cần thiết để trả lời những câu hỏi này", Owens nhấn mạnh.
Bảo Ngọc (t/h)