Dự toán ngân sách năm 2025: Ưu tiên chi đầu tư phát triển, chưa xem xét tăng lương

Dự toán ngân sách năm 2025: Ưu tiên chi đầu tư phát triển, chưa xem xét tăng lương
2 giờ trướcBài gốc
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Sáng nay (22/10), Quốc hội nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Thu ngân sách 9 tháng tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực hiện cả năm dự kiến đạt 1.873.300 tỉ đồng, tăng 10,1 % so với dự toán, đạt tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16,5% GDP. Bội chi ngân sách cả năm ước đạt 389.400 tỉ đồng, bằng 3,4 % GDP, giảm 10.000 tỷ đồng so với dự toán do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.
Năm 2025, dự toán ngân sách thu 1.966.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024, và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 16% GDP (thu nội địa chiếm 85%).
Dự toán bội chi ngân sách năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,8% GDP đến cuối năm 2025, nợ công 36-37% GDP, nợ chính phủ 34-35% GDP, trong phạm vi quốc hội cho phép.
Năm 2025, dự toán chi và phân bổ ngân sách sẽ được bố trí dựa vào một số nguyên tắc cơ bản, trong đó ưu tiên quan trọng nhất là chi đầu tư phát triển. Tiếp đó là ưu tiên các mục tiêu chi trả nợ, dự phòng, dự trữ quốc gia, chi trả lương và trợ cấp khu vực công, chi an sinh xã hội… Việc chi thường xuyên phải triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng an ninh và chính trị quan trọng.
Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 là 2.548.900 tỷ đồng. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng chi ngân sách (nếu loại trừ chi tiền lương thì đạt 33% tổng chi ngân sách). Riêng dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 315 tỷ đồng và chi 475,7 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
Mặc dù dự toán thu ngân sách năm 2025 được xây dựng ở mức cao trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực, song Chính phủ cũng đánh giá, dự toán thu ngân sách còn rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ rệt, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm, áp lực chi lớn, nhất là chi cho các dự án hạ tầng quan trọng, các nhiệm vụ quan trọng cấp bách về chinh trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh…
Với dự toán trên, Chính phủ trình Quốc hội một số nội dung như:
Năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công, lương hưu và trợ cấp ưu đãi với người có công.
Bổ sung cân đối và khả năng bù mặt bằng chi ngân sách địa phương, đảm bảo ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn dự toán của năm 2023.
Mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy dành cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để điều chỉnh một số chính sách về lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, tinh giảm biên chế, cho phép các địa phương có nguồn cải cách tiền lương lớn được sử dụng để đầu tư các dự án kết nối vùng kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia tại các địa phương trong trường hợp địa phương cam kết đảm bảo nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Bố trí tương ứng 85% số thu xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông cho bộ công an và 15% để bổ sung cho các mục tiêu của địa phương tương ứng số thu phát sinh trên địa bàn năm 2023 để hỗ trợ nhiệm vụ đảm bảo trật tự an taonf giao thông…
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ nhất trí một số kiến nghị của Chính phủ về việc hạn chế ban hành các chính sách giảm thu ngân sách năm 2025 nhằm đảm bảo huy động đủ ngân sách cho các nhiệm vụ chi. Đồng thời, tán thành chủ trương chưa điều chỉnh tăng lương, trợ cấp; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của trung ương và địa phương để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng dự toán những năm tới sát hơn với thực tiễn (năm 2024 thực tế thu ngân sách khả năng vượt 10,1% so với dự toán). Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu các địa phương hụt thu ngân sách cần có giải pháp cắt giảm chi, đảm bảo dự toán cuối năm.
Về chi ngân sách năm 2024, cơ quan thẩm tra cho hay, hiện nhiều khoản chi đầu tư phát triển vẫn chưa được trình Quốc hội, UBTV phân bổ theo quy định và yêu cầu Chính phủ báo cáo nguyên nhân.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân những tháng cuối năm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Về thu nội địa, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tỏ ra băn khoăn khi Chính phủ dự toán một số khoản thu giảm năm 2025, dù năm 2024 thu vượt dự toán khá cao, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn. Riêng với dự toán thu từ dầu thô, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ dự toán giá dầu thô năm 2025 là 75-80 USD/thùng, thấp hơn năm 2024. Nhiều đại biểu quốc hội cũng cho rằng, cơ sở để dự toán giá dầu thô 75-80 USD/thùng là chưa có rõ.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, dự toán thu từ xuất khẩu theo báo cáo của Chính phủ là còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Thùy Liên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/du-toan-ngan-sach-nam-2025-uu-tien-chi-dau-tu-phat-trien-chua-xem-xet-tang-luong-d228025.html