Đu trend ảnh AI 'đại gia bị CSGT phạt' có thể bị xử lý hàng chục triệu đồng

Đu trend ảnh AI 'đại gia bị CSGT phạt' có thể bị xử lý hàng chục triệu đồng
9 giờ trướcBài gốc
Thưa luật sư Đường Nam Khánh, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu tạo ảnh bằng công nghệ AI, mô tả cảnh "phú bà, đại gia bị CSGT xử phạt". Dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá hiện tượng này là hành vi mang tính giải trí vô hại, hay tiềm ẩn rủi ro pháp lý nghiêm trọng?
Luật sư Đường Nam Khánh: Ở góc độ pháp lý, trào lưu này tiềm ẩn rủi ro cực kỳ lớn chứ không phải là hành vi giải trí vô hại. Lý do chính là không phải ai cũng có thể nhận biết được những tấm ảnh do AI tạo ra, nhất là khi công nghệ ngày càng tinh vi. Những người cao tuổi, người ít am hiểu công nghệ hoặc thậm chí những người chỉ xem lướt qua nội dung rất có thể sẽ tin ngay đây là ảnh thật. Việc này trực tiếp dẫn đến những hiểu lầm, khởi đầu cho việc lan truyền thông tin sai lệch trên không gian mạng. Nghiêm trọng hơn, những hiểu lầm này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Luật sư Đường Nam Khánh, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là ảnh giả, không ám chỉ cá nhân hay cơ quan cụ thể nào nên không vi phạm pháp luật. Theo ông, quan điểm này có chính xác không? Pháp luật hiện hành quy định thế nào về hành vi đăng tải, phát tán nội dung giả trên không gian mạng?
Luật sư Đường Nam Khánh: Để đánh giá đầy đủ rủi ro pháp lý, chúng ta cần phân biệt rõ hai trường hợp tạo ảnh bằng AI. Trường hợp thứ nhất là hình ảnh được tạo ra hoàn toàn mới từ trí tuệ nhân tạo. Trường hợp thứ hai, và cũng là trường hợp tiềm ẩn thêm một lớp rủi ro pháp lý khác, đó là khi người dùng sử dụng công nghệ AI để cắt ghép, chỉnh sửa từ hình ảnh có thật của một cá nhân cụ thể. Rất nhiều ứng dụng AI hiện nay hoạt động bằng cách lấy một phần hoặc toàn bộ khuôn mặt từ ảnh gốc của một người để ghép vào một bối cảnh khác.
Trong trường hợp cắt ghép này, hành vi của người tạo và phát tán ảnh không chỉ dừng lại ở việc lan truyền thông tin có thể gây hiểu lầm, mà còn có dấu hiệu xâm phạm trực tiếp đến Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, được quy định rất rõ tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của bất kỳ cá nhân nào đều phải được người đó cho phép. Việc tự ý lấy ảnh của người khác, dù chỉ là một phần, để ghép vào một tình huống tiêu cực, nhạy cảm như bị cảnh sát giao thông xử phạt là hành vi sử dụng hình ảnh trái phép, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người có trong ảnh. Nếu như vậy thì khi đó những người này hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp người đăng ảnh gắn nhãn rõ ràng là "AI", nhưng hình ảnh vẫn dễ gây hiểu nhầm, thì họ có thể bị xử lý hành chính hay hình sự không, thưa ông?
Luật sư Đường Nam Khánh: Câu hỏi mấu chốt cần phải trả lời là: nội dung của bức ảnh đó, dù là giả, có gây phương hại đến lợi ích hợp pháp, uy tín và hình ảnh của cơ quan, tổ chức cụ thể nào không?
Những hình ảnh AI giả mạo, đu trend "phú ông, phú bà" bị CSGT xử phạt có thể bị xử phạt.
Người tạo ra và đăng tải nội dung phải có trách nhiệm lường trước được những hệ lụy từ hành vi của mình, chứ không thể đơn giản là tạo một chiếc ảnh, đăng lên kèm một dòng cảnh báo nhỏ rồi mặc kệ hậu quả. Họ cần phải xem xét đối tượng có thể tiếp cận bức ảnh này là ai và ảnh hưởng mà nó mang lại là gì. Nếu hình ảnh đó vẫn đủ sức gây hiểu lầm, làm suy giảm uy tín của lực lượng chức năng, tạo ra dư luận tiêu cực, thì người đăng hoàn toàn có thể bị xử lý. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hậu quả, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó gây ra những ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định hiện hành, người tạo hoặc phát tán những hình ảnh như vậy có thể bị xử phạt theo các điều khoản cụ thể nào? Mức phạt cao nhất mà cá nhân vi phạm có thể phải đối mặt là gì?
Luật sư Đường Nam Khánh:
Trước hết, xét về xử phạt hành chính, hành vi này trực tiếp vi phạm quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo điểm a, khoản 1, Điều 101, việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp hoặc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật nhằm xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ở mức độ cao hơn, hành vi này còn là biểu hiện của việc không tuân thủ các quy định cấm tại Luật An ninh mạng năm 2018. Khoản d Điều 8 của luật này nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong trường hợp hậu quả của việc phát tán ảnh trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi đó gây ra.
Trân trọng cảm ơn ông !
Ảnh: NVCC
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/du-trend-anh-ai-dai-gia-bi-csgt-phat-co-the-bi-xu-ly-hang-chuc-trieu-dong-post1762276.tpo