Đây là đêm bắn pháo hoa thứ 2 trong chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lần bắn đầu tiên diễn ra vào tối 19.4, cũng tại công viên bờ sông Sài Gòn.
Những chùm pháo hoa có màu sắc khác, hình dáng khác nhau tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp - Ảnh: Minh Quân
Từ chập tối, dù thời tiết lấm tấm mưa, hàng nghìn người dân TP.HCM cùng du khách vẫn đổ ra đường tiến về khu vực đường Tôn Đức Thắng, khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng để thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ. Những vị trí đẹp ở gần khu vực bắn pháo hoa gần như không còn chỗ trống.
Màn bắn pháo hoa tầm cao do Trung tâm Văn hóa và triển lãm thành phố phối hợp với bộ phận chuyên môn, Bộ Tư lệnh thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục khai pháo tại không gian trên cao khu vực sông Sài Gòn. Không chỉ là một phần của chương trình nghệ thuật, pháo hoa còn mang ý nghĩa biểu tượng cho độc lập, tự do và hạnh phúc - những giá trị thiêng liêng gắn liền với ngày thống nhất đất nước.
Theo UBND TP.HCM, thành phố sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm trong đêm 30.4, thời gian bắn pháo hoa từ 21 giờ đến 21 giờ 15.
Cụ thể, 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức); số lượng 1.500 quả pháo hoa nổ tầm cao, 30 giàn pháo hoa nổ tầm thấp, 10 giàn hỏa thuật. Điểm thứ 2 tại khu Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) với số lượng 500 quả pháo hoa nổ tầm cao, 30 giàn pháo hoa nổ tầm thấp, 1 giàn hỏa thuật.
Ngoài ra, thành phố còn bắn pháo hoa nổ tầm thấp ở 28 điểm, mỗi điểm 90 giàn pháo hoa nổ tầm thấp, 1 giàn hỏa thuật, gồm: Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn; Đền tưởng niệm Bến Nọc, TP.Thủ Đức; Đền tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác, Cần Giờ; Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông, quận 12; Công viên văn hóa Láng Le, huyện Bình Chánh; Khu Y tế kỹ thuật cao, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân; Khu vực cầu Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức (bắn trên xà lan); khu vực Hội trường Thống Nhất, quận 1.
Thủy Long - Minh Quân