Du xuân hoài niệm trên 'pháo đài' rừng Sác

Du xuân hoài niệm trên 'pháo đài' rừng Sác
8 giờ trướcBài gốc
1. Ngồi trên ô tô xuất phát từ vị trí gần công trường sân bay quốc tế Long Thành, chạy theo Quốc lộ 51 tới ngã ba rẽ vào đường Tôn Đức Thắng (tỉnh lộ 25B trước đây) là đến khu công nghiệp Nhơn Trạch. Từ đây, xe chạy băng băng thêm 6km trên đoạn đường liên cảng đang tráng nhựa dở dang đã thấy hiện ra trước mặt là cảng Phước An - cảng nước sâu lớn nhất tỉnh Đồng Nai, thuộc địa phận xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.
Cảng nước sâu Phước An được kỳ vọng sẽ giúp cho vùngrừng Sác Nhơn Trạch ngày càng trù phú.
Ấn tượng đầu tiên khi du xuân trên con đường liên cảng là vẫn còn đó bóng mát dịu dàng tỏa ra hai bên đường từ những cánh rừng Sác nguyên sinh. Tiếp đến là không khí hối hả trên đại công trường cảng Phước An nằm bên sông Thị Vải, các công nhân đang gấp rút thi công những công đoạn quan trọng để sẵn sàng đón nhận các con tàu container có trọng tải lên đến 60.000 DWT trong năm 2025.
Là người “ăn dầm nằm dề” ở đại công trường siêu cảng này (với chiều dài cầu cảng là 3.050m, công suất thiết kế 2,5 triệu TEU/năm đối với hàng container và 6,5 triệu tấn/năm đối với hàng tổng hợp), anh Lê Quang Điệp, Trưởng phòng thương vụ của cảng Phước An, bày tỏ hy vọng vùng đất Phước An sẽ ngày càng trù phú và được nhiều người biết đến.
Theo anh Điệp, ở Đồng Nai hiện giờ có hai dự án trọng điểm lớn nhất, đó là sân bay quốc tế Long Thành và cảng Phước An. Về phía cảng, ngoài việc trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực, thời gian tới sẽ đón nhận cả hai luồng vận chuyển hàng hóa nông sản từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thứ nhất là theo tuyến đường thủy, thứ hai theo cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp sửa hoàn thành. Qua đó giúp cho nông sản của bà con nông dân ngày càng vươn xa trên thị trường quốc tế.
Nhắc đến địa danh Phước An, nơi có nhiều sông rạch chằng chịt giữa vùng ngập mặn rừng Sác, không thể không nhắc đến làng bè Phước An (nằm trên nhánh Gành Hào - một phụ lưu của sông Thị Vải) với tiếng lành đồn xa trong việc nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch ẩm thực. Nơi đây còn được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi hàu của Đồng Nai. Hiện nay ở làng bè có khoảng 250 chiếc bè nuôi hàu, chiếm khoảng 15 ha mặt nước.
Qua tìm hiểu, Phước An từ xa xưa đã có lớp người cổ sinh sống tại đây, ít nhất từ hơn 3 ngàn năm trước. Theo kết quả khảo cổ, người tiền sử ở đây đã tổ chức đời sống đạt trình độ văn minh cao liền mạch từ thời đồ đá đến kim khí.
2. Chia tay vùng đất ngập mặn, xe ô tô lại tiếp tục bon bon trên những nẻo đường mùa xuân ở vùng rừng Sác Nhơn Trạch, để vừa tha hồ ngắm cảnh đẹp từ thảm thực vật đa dạng của những cánh rừng ngập mặn và vừa hoài niệm về những chuyện xa xưa.
Vùng rừng Sác Nhơn Trạch từng được mệnh danh là “pháo đài tự nhiên” nhờ địa hình rừng ngập mặn trùng điệp.
Lật giở lại trang sử, rừng Sác Nhơn Trạch từng được mệnh danh là “pháo đài tự nhiên” nhờ địa hình rừng ngập mặn trùng điệp. Đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đây là điểm nóng cần kiểm soát để đảm bảo hậu cần chiến tranh. Ngược lại, đối với cách mạng, rừng Sác là bàn đạp lý tưởng để tấn công các căn cứ quân sự và hệ thống hậu cần của địch tại Sài Gòn.
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, vùng rừng Sác có địa hình phức tạp, tạo nên một pháo đài tự nhiên khó xâm phạm. Đối với cách mạng, nơi đây không chỉ là căn cứ địa chiến lược mà còn là “trận đồ bát quái” tự nhiên, bảo vệ lực lượng cách mạng trước sự tấn công của địch. Đây còn là nơi diễn ra hàng loạt chiến dịch quân sự quan trọng, góp phần làm suy yếu sức mạnh của quân đội Mỹ – Ngụy.
Bên cạnh trang sử hào hùng, nhờ có thảm rừng xanh rậm che kín mặt trời mà rừng Sác nơi đây có đủ loài sinh vật nhiệt đới như: Rắn, trăn, heo rừng, khỉ, rái cá, trăn, kỳ đà, chồn, dơi, rắn...cùng các loài vật dưới nước như: Cá, tôm, cua, ba khía, thòi lòi, chem chép...
Các bô lão ở rừng Sác Nhơn Trạch kể lại rằng khi xưa vùng đất này có hàng đàn con rái cá, lạ lẫm nhất là hàng năm đều diễn ra ngày rái hội với cảnh tụ tập hàng trăm con nhào lộn dưới nước. Ở đây có một loại trăn nước được gọi là con nưa chín mũi, chỉ xuất hiện từng cặp vào những ngày lũ lớn dâng cao và thỉnh thoảng giao chiến với heo rừng. Không những vậy, khu rừng ngập mặn này còn có “chúa nước” khét tiếng là cá sấu và “chúa rừng” là cọp vằn.
3. Miên man trên con đường du xuân giữa rừng Sác, lại nhớ đến chuyện cũ về nữ tướng cướp Tám Lũy là ám ảnh của người dân ở vùng sông nước Nhơn Trạch thập niên 70-80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều người khi đó còn ví von nữ tướng cướp này như “rắn hổ mang chúa” ở vùng rừng Sác.
Đến vùng rừng Sác Nhơn Trạch du khách tha hồ ngắm cảnh đẹp từ thảm thực vật đa dạng của những cánh rừng ngập mặn.
Nhớ lại gần 15 năm trước, bản thân người viết đã từng tìm đến nơi ở của bà Tám Lũy (lúc còn sống ở độ tuổi ngoài 70) ở giồng Ông Đông, ấp Bến Đình, xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) để được tận mắt gặp lại con người thật của nữ tướng cướp khét tiếng năm nào.
Thông qua cuộc trò chuyện với bà Tám Lũy và lần giở lại chuyện xưa từ 30 năm về trước, Nhơn Trạch nổi tiếng là “miền đất hứa” của những băng cướp thảo khấu ở vùng rừng thiêng nước độc, trong đó băng cướp do bà Tám Lũy cầm đầu là hoạt động dữ dội nhất.
Hồ sơ điều tra từng cho thấy đã có hàng trăm vụ cướp bóc, trộm cắp bằng thủ đoạn sử dụng vũ khí “nóng” do băng nhóm Tám Lũy gây ra khiến người dân vùng sông nước miền Đông không khỏi khiếp sợ. Và chính bà Tám Lũy khi tâm sự với tôi, cũng nói rằng bản thân bà cảm thấy ghê sợ mỗi khi ai nhắc lại băng cướp Tám Lũy.
Bây giờ thì câu chuyện về băng cướp khét tiếng này đã trôi vào dĩ vãng, vùng rừng Sác Nhơn Trạch đã được trả lại sự bình yên để tập trung vào công cuộc phát triển công nghiệp.
Hoài niệm lan man đủ thứ chuyện giữa mùa xuân khi xe ô tô dạo một vòng Nhơn Trạch rồi trở ra bến phà Cát Lái để về Tp.HCM, vẫn nhớ hương vị của “pháo đài” rừng Sác còn chất chứa trong lòng với kỳ vọng vào một tương lai tươi mới, là sự hòa nguyện vào nhau giữa nét xưa và những chấm phá mới của thời hiện đại.
Thanh Loan
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-xuan-hoai-niem-tren-phao-dai-rung-sac-1104389.html