Du xuân trên đất kinh xưa

Du xuân trên đất kinh xưa
5 giờ trướcBài gốc
Nghinh môn Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm dưới tán cây đa thị. Ảnh: Quỳnh Chi
Bước qua nghinh môn đang “e thẹn” dưới những tán cây là sân rồng rộng thênh thang màu gạch nung đỏ. Nổi bật giữa sân rồng là cây đa thị - di sản độc đáo trong khu di tích Lam Kinh. Không biết có từ bao giờ, nhưng cây đa luôn ôm trọn cây thị trong lòng. Từng có giai đoạn cây thị già chết khô. Nhưng một thời gian sau, trong lòng cây đa lại xuất hiện một cây thị khác. Hai cây bên nhau, trở thành cây một gốc hai ngọn với sức sống bền bỉ. Đặc biệt, sự hồi sinh của cây thị như khẳng định sự gắn kết bền chặt của cảnh vật nơi đây và sức mạnh “hồi sinh” từ tro tàn, sự trường tồn, linh thiêng của vùng đất Lam Kinh trước bao biến động của lịch sử.
Sải bước qua sân rồng là thềm rồng 9 bậc với 3 lối lên xuống. Thềm rồng trở nên uy nghi hơn với đôi rồng đá được tạc với hoa văn tinh xảo hình đao mác tiêu biểu cho phong cách thời Lê sơ. Qua thềm rồng là công trình bề thế, trung tâm và linh thiêng nhất khu di tích - Chính điện Lam Kinh. Chính điện gồm 3 tòa lớn, mặt bằng của điện được xây dựng theo kiến trúc hình chữ công. Chính điện ngày nay là công trình được khôi phục theo quy mô, kích thước và kiến trúc xưa, có tổng diện tích 1.662m2. Chính điện có kết cấu khung gỗ lim với 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng, trang trí hoa văn trên bề mặt các cấu kiện gỗ đều có hình rồng, các linh vật, vân mây, hoa lá... Với lối kiến trúc mang đậm phong cách thời hậu Lê, Chính điện được đánh giá là công trình tôn tạo lớn nhất hiện nay.
Về với Lam Kinh, chắc hẳn ai cũng ấn tượng với công trình bề thế, tráng lệ của Chính điện Lam Kinh. Nhưng, bấy nhiêu chưa đủ để khiến Lam Kinh trở nên độc đáo, hấp dẫn đến vậy. Mà đây chính là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị liệt tổ, liệt tông, hoàng đế, hoàng hậu nhà Lê, nên có người từng ví nơi đây là “kinh đô” của các vị vua đã khuất hay “kinh đô” tưởng niệm.
Sau khi chiêm ngưỡng Chính điện Lam Kinh du khách được tham quan 6 khu lăng mộ và 5 bia ký của các vua và hoàng hậu nhà Lê. Nổi bật nhất phải kể đến Lăng mộ Vua Lê Thái Tổ (hay Vĩnh Lăng), được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, nằm dưới chân núi Dầu (núi Lam Sơn). Lấy lăng mộ Vua Lê Thái Tổ làm trung tâm, lăng mộ của các vua kế nghiệp được mai táng ở các phía. Như Lăng mộ vua Lê Thái Tông (Hựu Lăng) nằm cách Vĩnh Lăng chừng 800m về phía bắc. Lăng Mộ Vua Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng) nằm về phía Đông Nam, cách Vĩnh Lăng 700m. Lăng mộ vua Lê Hiến Tông (Dụ Lăng) nằm cách Vĩnh Lăng gần 300m về phía Tây...
Cùng với hệ thống lăng mộ, khu di tích Lam Kinh còn lưu giữ 5 tấm bia là 5 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt, quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, gồm: Bia Vĩnh Lăng (bia Vua Lê Thái Tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Vua Lê Thánh Tông), bia Dụ Lăng (bia Vua Lê Hiến Tông) và bia Kính Lăng (bia Vua Lê Túc Tông). Đây đều là những công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo từ hình dáng đến chất liệu, hoa văn trang trí. Trong đó, tiêu biểu nhất là bia Vĩnh Lăng. Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích màu xanh xám có lẫn đốm trắng. Trên bề bặt rùa còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể sống trong nước.
Lam Kinh là đất thiêng, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể giá trị, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn cung đình gắn với các nghi thức tế lễ tại sơn lăng. Về với Lam Kinh những ngày xuân là lựa chọn đúng đắn của du khách, để nuôi dưỡng tâm hồn trong một không gian văn hóa giàu giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.
Quỳnh Chi
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/du-xuan-tren-dat-kinh-xua-237133.htm