Vận chuyển bệnh nhân từ trực thăng về Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Bệnh viện Quân y 175 thông tin, rạng sáng 4/1, máy bay EC225 mang số hiệu VN-8620 của Binh đoàn 18 cùng Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện đã thành công đưa một bệnh nhân nghi bị viêm màng não từ Trường Sa về đất liền để điều trị.
Bệnh nhân là anh Đ.M.V (sinh năm 1997, quê ở Quảng Nam) là thợ sửa chữa tại đảo An Bang (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Ngày 1/1, anh V mệt mỏi, kém ăn, nôn ói. Đến ngày 2/1, anh xuất hiện triệu chứng kích thích, rối loạn ý thức, sốt cao kèm theo rét run 39,5 độ và được đưa vào Bệnh xá Đảo An Bang.
Tại đây, các y bác sỹ chẩn đoán anh có dấu hiệu viêm màng não, xuất huyết dưới nhện. Hội chẩn Telemedicine cùng Bệnh viện Quân y 175, các bác sỹ cũng xác nhận theo dõi viêm màng não. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc an thần, kháng sinh, bù dịch, điện giải, hạ sốt…
Sau một ngày điều trị, các bác sỹ lại tiếp tục hội chẩn và đánh giá tình trạng người bệnh không có xu hướng tốt lên, cũng chưa biết nguyên nhân gây bệnh.
Do đó, lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 đã xin phép Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho phép vận chuyển cấp cứu đưa người bệnh về đất liền bằng đường hàng không.
Lúc 15 giờ ngày 3/1, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8620 của Binh đoàn 18 do cơ trưởng Thượng tá Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện Binh đoàn 18 cùng Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Đại úy, bác sỹ Tạ Văn Bạch làm tổ trưởng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đảo An Bang.
Đến 19 giờ 30 cùng ngày, Tổ Cấp cứu đường không đã tiếp cận được bệnh nhân tại đảo An Bang trong tình trạng rối loạn ý thức, mở mắt nhưng không tiếp xúc, kích thích nhiều.
Bệnh nhân sốt 39 độ, có dấu hiệu viêm màng não, cứng gáy, nhiễm trùng thần kinh trung ương, các chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Bệnh nhân được thăm khám, đánh giá, xử trí cấp cứu tại chỗ ổn định và vận chuyển lên máy bay đưa về đất liền.
Đại úy, bác sỹ Tạ Văn Bạch cho biết các bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển bởi bệnh nhân không đủ tỉnh táo, không hợp tác. Ê kíp cấp cứu buộc phải dùng thuốc an thần gây ngủ để bệnh nhân trấn tĩnh, nằm yên.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân ngủ sẽ ảnh hưởng về mặt hô hấp, vì vậy êkíp phải thay nhau theo dõi sát về tình trạng hô hấp trong suốt quá trình vận chuyển.
“Do chưa thể xác định được nguyên nhân nhiễm khuẩn và đề phòng lây nhiễm chéo, phòng chống dịch tối đa, chúng tôi phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong suốt quá trình bay nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, sinh hiệu ổn định cho người bệnh,” Đại úy Tạ Văn Bạch chia sẻ.
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chuyến bay cấp cứu đã kéo dài hơn dự kiến và phải hạ cánh xuống đảo Trường Sa để tiếp nhiên liệu.
Rạng sáng 4/1, trực thăng cùng tổ bay và bệnh nhân đã an toàn đáp xuống Bệnh viện quân y 175.
Bệnh nhân ngay sau đó được đưa vào Khoa Cấp cứu, nhanh chóng tiến hành làm các xét nghiệm đặc hiệu, hội chẩn để đưa ra chẩn đoán và điều trị chuyên sâu./.
(TTXVN/Vietnam+)