Mỗi khi “tết đến, xuân về”, vị tướng giàu lòng trắc ẩn lại nhớ về chuyến đi đưa liệt sĩ về quê trong đêm giao thừa năm Giáp Tý 1984.
Ngày 1-9-1984, chấp hành chủ trương của Ban Cán sự - Bộ tư lệnh Mặt trận 579 (Quân khu 5) và Bộ tư lệnh Khu vực 1 (Campuchia), các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và chính quyền, lực lượng vũ trang bạn ở khu vực Đông Bắc Campuchia triển khai làm công tác chuẩn bị thực hiện “Kế hoạch K5”: Xây dựng công trình phòng thủ biên giới nhằm tạo thế trận đánh địch, bảo vệ biên giới, ngăn chặn địch tiến công. Trong đó, lực lượng của Đoàn 5503 do tôi trực tiếp chỉ huy.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra công tác tổ chức sản xuất vũ khí của ngành Kỹ thuật Quân khu 5. Ảnh chụp năm 2008, do nhân vật cung cấp.
Địa điểm xây dựng tuyến phòng thủ K5 (là mật danh của Bạn đặt cho tuyến phòng thủ quan trọng này) nằm trên dãy Đăng Rếch, là vùng rừng núi hiểm trở có độ cao trung bình từ 400 đến 500m, có nơi cao từ 600 đến 700m. Địa hình của Đăng Rếch cheo leo, có nhiều đoạn rất hóc búa. Thực hiện nhiệm vụ K5, lãnh đạo, chỉ huy Mặt trận xác định lấy lực lượng vũ trang làm lực lượng nòng cốt, huy động nhân dân bạn là chủ yếu, tạo thành sức mạnh tổng hợp để làm tốt nhiệm vụ. Dãy Đăng Rếch thuộc biên giới của Campuchia và Thái Lan.
Từ phía Thái Lan có thể lên được tới đỉnh núi cao nên bọn Pol Pot đã lợi dụng đất Thái để xâm nhập sang Campuchia, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của bạn. Nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, giúp bạn làm chủ được biên giới, ta giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới này. Tại khu vực xây dựng tuyến phòng thủ K5, địch gài rất nhiều chông, mìn và các loại cạm bẫy. Ta muốn mở đường, trước mắt phải rà phá mìn, tháo gỡ các chướng ngại vật của địch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị công binh tham gia xây dựng K5 vừa tham gia rà phá bom mìn, vừa tổ chức thi công công trình, vừa hướng dẫn kỹ thuật giúp các đơn vị quân đội và dân công bạn thực hiện, đồng thời sẵn sàng đánh địch xâm nhập, quấy phá để bảo vệ lực lượng bạn, bảo vệ tuyến vật cản và các tuyến đường biên giới.
Quân số tham gia xây dựng công trình K5 do công binh làm nòng cốt, gồm các đơn vị trực thuộc Quân khu 5: Trung đoàn Công binh 270, Trung đoàn Công binh 280. Lực lượng bộ binh gồm có: Các sư đoàn bộ binh thuộc Quân khu 5; Trung đoàn 19, Quân đội Campuchia; các tiểu đoàn bộ đội địa phương và dân công các tỉnh trên địa bàn Đông Bắc Campuchia. Ở các đoàn công tác của các lực lượng thuộc Mặt trận 579 đều thành lập một bộ phận chuyên trách công tác K5. Tại Đoàn Quân sự 5503, tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban K5.
Trong giai đoạn một, bạn huy động 15 tiểu đoàn dân công và một số đơn vị vũ trang cùng quân tình nguyện Việt Nam tham gia xây dựng công trình. Ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Tý, nhằm ngày 1-2-1984, tôi dẫn mười hai cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 5503, hai tiểu đoàn lực lượng vũ trang của bạn và trên năm nghìn dân công của bạn tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới vào hiện trường thi công rà phá chông, mìn. Khó khăn và nguy hiểm nhất lúc này là việc dò gỡ mìn do địch bố trí trước đó với mật độ dày đặc, ta không nắm được quy luật của địch nên khả năng thương vong là rất cao.
Phát huy tinh thần cao cả “giúp bạn là tự giúp mình”, anh em chúng tôi không chùn bước trước hiểm nguy. Bộ đội tình nguyện Việt Nam chịu trách nhiệm rà phá bom mìn còn sót lại, lực lượng vũ trang và dân công của bạn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình, đào hào giao thông, dựng hàng rào kiên cố.
Trước khi các đơn vị vào thực hiện nhiệm vụ, tôi phổ biến rộng rãi cách nhận biết mìn của bọn Pol Pot cài. Nhưng trước những bãi mìn hiểm hóc, các lực lượng của ta vào đều bị dính mìn của chúng. Mười hai đồng chí của Đoàn 5503 tham gia thì có ba đồng chí hy sinh, bảy đồng chí bị thương. Trong lúc công việc rà mìn, một thách thức lớn tại công trình chưa được hoàn thành, sự hy sinh của anh em là một tổn thất to lớn đối với toàn lực lượng của ta và bạn. Sau khi ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và dân công tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, tôi quyết định tự mình đưa anh em liệt sĩ và thương binh về nước.
Dọc đường đi, xe chở thương binh và liệt sĩ bị bộ đội chặn lại liên tục với điệp khúc: “Đồng hương ơi! Đồng hương có thuốc lá không cho xin điếu đi? Ở quê nhà mọi người đang đón Tết, nhớ quê quá đồng hương ơi!”. Tôi nghe anh em gọi như vậy cảm thấy thương đồng đội.
Nhìn ba cỗ quan tài xếp ngay ngắn trên thùng xe, trong lòng tôi dội lên một lòng tiếc thương vô hạn. Đành rằng chiến tranh tất nhiên có mất mát, hy sinh, nhưng các em ra đi còn trẻ quá! Tội nghiệp Đông! Mìn nổ đã kích nổ lựu đạn em đeo quanh mình khiến thi thể Đông không còn nguyên vẹn.
Đông ơi! Mới hôm qua đây, anh còn nghe em thủ thỉ: “Thủ trưởng à! Sau trận này, thủ trưởng cho em đi phép nhé. Tết này em không về chắc người yêu của em buồn lắm? Ngày em đi bộ đội, cô ấy khóc đỏ cả mắt. Người yêu em dạy học ở Điện Ngọc, đẹp và hiền lắm! Thủ trưởng ơi! Hôm em đi bộ đội, nàng xin em một cái áo để ở nhà nhớ em, đắp lấy hơi. Em chọn cái áo cũ thường mặc đi làm ruộng cho má, ướt đẫm mồ hôi, giặt giũ phẳng phiu, gói kỹ đưa đi tặng cô ấy. Trước khi lên đường sang Campuchia, hai đứa đi chơi, bây giờ em nhớ thương người yêu em vô cùng. Năm ngoái em định về phép nhưng nhường cho Chiến vì ba của Chiến ốm nặng. Hết đợt này, thủ trưởng cho em đi phép nhé. Ngày em về phép chắc hết Tết, nhưng về gặp được cô ấy là em mừng lắm”.
Nghe Đông chuyện trò với tôi, mấy chiến sĩ cũng góp vui: “Thủ trưởng ơi! Đông có bạn gái rồi, thủ trưởng để Đông ở lại. Thủ trưởng cho tụi em, những thanh niên đẹp trai ngời ngợi như thế này chưa có bạn gái nghỉ phép về quê tìm bạn gái thủ trưởng ạ. Suốt ngày Đông kể cho bọn em nghe bạn gái của Đông, tụi em ghen tỵ lắm, thủ trưởng cho tụi em về phép trước thủ trưởng nhé!”. Nghe xong, cả mấy anh em cùng cười sảng khoái.
Chiến tranh thật nghiệt ngã! Bây giờ chỉ còn “chiếc áo mồ côi” Đông ở với người em yêu! Còn Tiến và Chiến, máu của các em đã đổ để xây đắp nên tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Đường về rất khó khăn, nhưng anh sẽ đưa các em về quê mẹ, để các em ấm áp hơn khi đón năm mới trên đất mẹ yêu dấu. Từ công trình K5 đến bến phà sông Mê Kông dài khoảng 200km, xe chạy liên tục đến 23 giờ đêm ba mươi tết mới đến nơi. Tiếng pháo đón giao thừa năm Giáp Tý đã rộ lên từ các thôn làng. Tôi nhìn xuống lòng sông Mê Công. Mặt sông lặng ngắt như tờ, con phà nằm mơ ngủ, không gian tĩnh lặng, chưa có ai qua sông. Tôi nhủ thầm có lẽ các đồng chí công binh trực phà cũng đang đón Tết và lệnh cho lái xe bắn súng làm hiệu để gọi phà.
Sang sông, đến Bệnh viện Quân y 21 (Mặt trận 579, Quân khu 5), các bác sĩ, y tá nhanh chóng khiêng thương, băng bó, cứu chữa anh em. Sau đó, tôi bố trí một đồng chí y tá của Đoàn 5503 ở lại chăm sóc thương binh cẩn thận rồi tiếp tục đưa đồng đội hy sinh về quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ thị xã Strung treng, nơi đóng quân của Bệnh viện Quân y 21, chúng tôi đi suốt đêm, đi xuyên từ năm cũ sang năm mới. Ngồi cùng với anh em trên chuyến xe về quê, lòng tôi đau đớn vô cùng. Đông ơi! Tiến ơi! Chiến ơi! Anh không thể ngờ anh lại đi về với các em trong một tình huống đau thương thế này. Các em nằm lại với vùng đất quê hương nhé! Anh sẽ thay các em đi tiếp chặng đường khó khăn, gian khổ, ác liệt trên đất bạn để sống trọn nghĩa vẹn tình với bạn như tính cách của người Quảng Nam quê mình. Các em không còn nữa, mơ ước của các em trước ngày ra trận chưa kịp thực hiện, anh càng thương tiếc các em hơn. Đồng đội ơi! Anh sẽ trở về thăm các em khi xong nghĩa tình với bạn.
Bàn giao liệt sĩ cho cơ quan quân sự địa phương xong, tôi trở lại công trình K5 ngay trong ngày Tết Giáp Tý để kịp thời chỉ huy lực lượng vũ trang bạn và dân công bạn đào giao thông hào, công sự.
Biết tin tôi đưa liệt sĩ về Việt Nam rồi nhanh chóng sang K5, Chỉ huy Đoàn 5503 Lại Nam Dương gọi điện lên bảo: “Thu ơi! sức lực ở đâu ra mà đi xuyên đêm về Việt Nam, rồi lại lên ngay K5? Em về hậu cứ nghỉ ngơi đi để anh điều anh em khác lên K5 thay em”.
Tôi trả lời: “Dạ! Em cảm ơn anh! Tình hình ở K5 phức tạp lắm anh ạ, mìn của bọn Pol Pot gài tứ tung. Bộ đội, dân công đặt được một bàn chân vô được đất Đăng Rếch là cả vấn đề. Em đã có kinh nghiệm phá mìn, em ở đây để phổ biến kinh nghiệm chiến trường cho lực lượng vũ trang và dân công bạn nắm, phổ biến rộng rãi các đoàn bạn để tránh thương vong anh à”.
Sau đó, tôi tiếp tục chỉ huy các lực lượng dò gỡ mìn, xây dựng công trình đến ngày mùng năm Tết Giáp Tý 1984, nhằm ngày 6-2-1984, bàn giao công việc và trở về hậu cứ để đi công tác cùng với Trung tá Lại Nam Dương.
NGUYỄN AN KHÁNH
(Ghi theo lời kể của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam).