Giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay có ý nghĩa quan trọng bởi đây là các môn học cơ bản, thuộc khối kiến thức đại cương, có chức năng trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học cho sinh viên.
Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng trên thực tế hiện nay, sinh viên không thích học các môn lý luận chính trị vì các lý do: nội dung các môn học này khô khan, trừu tượng, chưa gắn lý luận với thực tiễn, chưa vận dụng kiến thức lý luận chính trị được học vào thực tiễn và phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, thiếu sinh động, hấp dẫn…
Để các môn học lý luận chính trị trở nên gần gũi, mang hơi thở cuộc sống hiện đại và đến gần hơn với các bạn sinh viên gen Z, các trường đại học cần đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại.
Nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay phải bảo đảm tính chính trị, tính khoa học, tính chuẩn xác theo hướng cơ bản, thiết thực, phù hợp với mục tiêu chuẩn đầu ra và từng đối tượng sinh viên; đồng thời, phải đảm bảo tính hiện đại, tính thực tiễn theo hướng tăng cường thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, tăng thời gian thực hành. Bên cạnh đó, nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị phải thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện sao cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Phương pháp giảng dạy của giảng viên các trường đại học hiện nay cũng phải đổi mới, sáng tạo. Giảng viên của các trường không chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống mà còn phối hợp sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp hiện đại như đàm thoại, thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia, sơ đồ tư duy, bể cá vàng, kích não, trò chơi… Giảng viên cần tăng cường hướng dẫn, tổ chức cho các bạn sinh viên chủ động học tập, nghiên cứu những nội dung của bài học, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên rèn luyện phương pháp tự học, phát triển năng lực, tính chủ động, tự chủ của cá nhân.
Việc sử dụng các phương pháp giảng dạy phải phù hợp với từng đối tượng sinh viên, đảm bảo tỷ lệ lý thuyết và thực hành trong các bài giảng làm cho bài giảng phong phú, thiết thực và thu hút các bạn sinh viên tham gia. Để đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị, còn phải có sự phối hợp của Ban Giám hiệu, Hội đồng trường và các khoa chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát nội dung giảng dạy, tổ chức các khóa học bồi dưỡng cho giảng viên mới, giảng viên trẻ…
Trong tình hình mới hiện nay, để các môn lý luận chính trị đến gần hơn với các bạn sinh viên gen Z, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại là vấn đề cấp thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Các trường đại học hiện nay đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị để làm cho bài giảng trở nên sinh động, có tính thuyết phục cao, hiện đại, mang lại hiệu quả thiết thực cho sinh viên.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quôc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Gilmore, A. (2007), Authentic materials and authenticity in foreign language learning. Language Teaching, Vol.40, pp.97-118.
TS. Nguyễn Thị Hà Thu
Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền