Các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, an toàn được khách hàng ưu tiên lựa chọn
Trên địa bàn TP. Huế hiện có 90 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt sao OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là “Bún bò Huế gia vị hoàn chỉnh”, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao và 68 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, còn có 4 sản phẩm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Khu du lịch cộng đồng Anor tại A Lưới, Du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông (nay là Phú Lộc), Du lịch sinh thái suối Tiên tại huyện Phú Lộc và Dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh ở Quảng Điền.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn đã được người tiêu dùng đón nhận qua các kênh phân phối như chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các chợ truyền thống, siêu thị… Dù vậy, không phải sản phẩm nào cũng ghi nhận số lượng cung ứng ra thị trường như kỳ vọng. Đơn cử tại một số siêu thị như Aeon Mall Huế, Co.op mart Huế… đều dành những vị trí đẹp, thuận tiện, trang trí bắt mắt để thu hút khách hàng. Song nếu quan sát, có thể thấy những gian hàng này thường không có nhiều khách chọn mua cùng lúc. Lác đác chỉ vài sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn đưa vào giỏ hàng của mình trong nhiều mặt hàng khác, tất nhiên, đa phần đều có nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu Việt.
Thế nên, để tăng lượng tiêu thụ cũng như góp phần mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm OCOP đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn, không chỉ phạm vi địa phương mà cả nước và xuất khẩu thì giải pháp tối ưu nhất vẫn là đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống.
Trong xu hướng bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, việc đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt, trong đó có các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là giải pháp được nhiều DN, chủ cơ sở sản xuất, người kinh doanh lựa chọn. Thực tế cũng cho thấy, so với cách bán hàng truyền thống, giải pháp này đem lại doanh thu, lợi nhuận gấp nhiều lần nhờ lượng đơn hàng chốt thành công tăng vọt.
Còn nhớ mùa thu hoạch ổi năm trước, nhờ sự phối hợp giữa các đoàn viên của Đoàn phường Hương Xuân (Hương Trà) và Youtuber Huy Lê tổ chức livestream bán hàng, chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, đã có hơn 1 tấn ổi VietGAP (sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao) được bán cho khách hàng trên cả nước. Nếu so với cách bán hàng truyền thống có thể cả tuần, thậm chí là tháng mới đạt được.
Cách này cũng được nhiều nông dân ở các tỉnh phía Bắc thực hiện và lượng nông sản như cam, na, mận… bán ra cũng tăng nhiều lần so với trước. Qua đó còn giúp quảng bá văn hóa, con người cũng như hình ảnh người nông dân Việt Nam năng động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Ở Huế hiện chưa có nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ livestream bán hàng. Nếu có lượng tương tác cũng không nhiều và số lượng chốt đơn thành công cũng không đáng kể so với nhiều DN ở các địa phương khác trong cả nước.
Mấu chốt để việc livestream bán hàng thu hút được người xem, mua là phải thuê, hợp đồng được với các KOL, KOC, Youtuber, TikToker nổi tiếng. Tất nhiên việc này đòi hỏi phải chi một khoản kinh phí khá lớn, song nếu chưa đủ nguồn lực có thể mời những Youtuber, TikToker địa phương như đợt livestream bán ổi Hương Xuân. Từ nền tảng đó, khi đã tăng được lượng tương tác, theo dõi trên các trang mạng xã hội, các chủ DN, cơ sở kinh doanh có thể tự livestream bán hàng mà không cần sự hỗ trợ của người nổi tiếng.
Song, dù là nền tảng nào, sản phẩm gì thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng và đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thì mới tăng được số lượng tiêu thụ và mở rộng kênh phân phối. Bởi sản phẩm có được chứng nhận đạt bao nhiêu sao đi chăng nữa nhưng người tiêu dùng không đánh giá sao thì cũng khó nằm trên bàn ăn, cách mặc và thói quen, nhu cầu sử dụng hàng ngày của họ.
Bài, ảnh: Tâm Huệ