Xử lý nền đất yếu khu vực mặt bằng bến số 4
Bến số 4 về đích vào quý II năm 2026
Bến số 4 là một trong hai hợp phần trọng tâm thuộc cụm bến số 4 & 5 tại cảng Chân Mây được khởi công từ cuối năm 2024. Tại công trình bến số 4, thời điểm này, không khí lao động khá khẩn trương với các hoạt động khoan đóng cọc nhồi, cẩu, xúc, lu lèn… Hàng trăm công nhân tranh thủ thời tiết thuận lợi làm việc ngày đêm với quyết tâm đưa công trình về đích đúng thời hạn.
Anh Trần Đình Quốc, kỹ sư giám sát Công ty CP Hàng hải Vsico cho biết, tính đến thời điểm này, công trình bến số 4 đã hoàn thành khoảng 40% kế hoạch; trong đó nhà thầu thi công đã hoàn thành 100% việc lắp đặt đê kè tạm và san lắp mặt bằng, xử lý nền đất yếu; đồng thời thi công đóng được 10% trong kế hoạch 500 cọc ở khu vực cầu cảng dài 270m và rộng 40m. Việc đóng cọc là một hạng mục kỹ thuật quan trọng, dự kiến khoảng 2 tháng tới sẽ hoàn thiện đồng bộ để đảm bảo nền móng vững chắc cho các cấu kiện phía trên. Đồng thời, triển khai các hạng mục đổ bê tông cầu bến, lắp đặt cần cẩu và văn phòng làm việc, cổng, tường rào…
Tuy nhiên, tiến độ thi công của bến này đang gặp khó khăn, nhất là hạ tầng mặt bằng đang vướng đường dẫn dầu của Kho cảng Xăng dầu tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) dài hơn 80m. Đây là tuyến hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thi công đê chắn sóng và các khu vực kỹ thuật phụ trợ.
Trước thực tế trên, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ban ngành chức năng chủ động vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, đề xuất Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam khẩn trương hoàn thành điều chỉnh, di dời bến và đường ống nhập xăng dầu đang ảnh hưởng đến mặt bằng của bến số 4 cảng Chân Mây. Lãnh đạo Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp thành phố khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tập trung thực hiện để công trình không bị chậm tiến độ.
Theo lãnh đạo Công ty CP Hàng hải Vsico, với sự chủ động trong tổ chức thi công, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đơn vị liên quan đang tháo gỡ vướng mắc hạ tầng - yếu tố then chốt giúp công trình bến số 4 đạt tiến độ đề ra. “Nếu giữ vững nhịp độ và thời tiết thuận lợi như hiện nay, cộng thêm sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, công trình hoàn toàn có thể về đích trong quý II/2026 theo kế hoạch đề ra” - đại diện lãnh đạo Công ty CP Hàng hải Vsico nói.
Đẩy nhanh tiến độ bến số 5
So với bến số 4, tiến độ bến số 5 hiện chậm hơn. Sau nửa năm thi công, công trình mới hoàn thành khoảng 10% khối lượng. Điều này đã được dự báo từ ban đầu trong lộ trình thi công phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực triển khai.
Hiện tại, bến số 5 đang triển khai thi công mặt bằng, đóng trụ và nạo vét luồng cho bến đậu tàu. Tổng diện tích xây dựng bến số 5 là 10,4ha. Ngoài ra có 2,4ha mặt nước làm khu bến đậu tàu.
Kỹ sư Trần Đình Quốc cho hay, theo kế hoạch bến số 5 sẽ hoàn tất vào năm 2027. Với mốc thời gian này đủ để đảm bảo thi công an toàn, hiệu quả và chất lượng. Khi đi vào vận hành, bến này sẽ nâng tổng chiều dài cầu cảng tại khu vực Chân Mây thêm 270m, phục vụ tốt hơn cho tàu hàng, tàu du lịch cỡ lớn ra vào cảng.
Chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục cần thiết và lên phương án điều phối thi công đồng bộ với tiến độ của bến số 4. Lợi thế lớn nhất là sự chia sẻ về hạ tầng dùng chung giữa hai bến, như hệ thống đê chắn sóng, điện, nước, giao thông nội bộ và sân bãi. Khi bến số 4 hoàn thành, các điều kiện thi công cho bến số 5 sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Huế Nguyễn Văn Phương trong chuyến khảo sát khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô mới đây cho biết, việc triển khai hai bến số 4 & 5 không chỉ mang tính cấp thiết về mặt năng lực khai thác, mà còn thể hiện bước đi chiến lược trong hành trình đưa Cảng Chân Mây vươn tầm quốc gia theo quy hoạch. Hiện nay, với sản lượng hàng hóa tăng nhanh và lượng tàu khách quốc tế ngày càng nhiều, cảng đang đứng trước áp lực quá tải. Do đó, việc hoàn thành hai bến mới sẽ giải tỏa áp lực, đồng thời tạo thêm sức bật mạnh mẽ cho cả khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Lãnh đạo TP. Huế đang kỳ vọng lớn vào hai công trình này. Khi hoàn thiện, cụm bến số 4 & 5 sẽ tăng thêm khả năng thông quan hàng hóa khoảng 5 triệu tấn/năm, nâng tổng sản lượng hàng hóa qua Cảng Chân Mây lên hơn 10 triệu tấn/năm. Không chỉ vậy, cảng Chân Mây sẽ đủ điều kiện tiếp nhận các tàu container, tàu du lịch cỡ lớn, đưa khu vực này thành một trong những điểm trung chuyển hàng hóa và du khách quan trọng của miền Trung và Quốc gia.
Dự án xây dựng bến tổng hợp - container số 4 & 5 cảng Chân Mây do Công ty CP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án triển khai với diện tích hơn 26,3ha (bao gồm đất liền và mặt nước), kinh phí hơn 2.614 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là liên danh giữa Công ty CP Tư vấn & Xây dựng Phú Quang Minh và Công ty TNHH Phúc Nam. Khi dự án hoàn thiện góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận tàu hàng có tải trọng lên tới 70.000 tấn, đồng thời hỗ trợ bến số 1, số 2 & 3 đang quá tải hiện nay.
Bài, ảnh: Minh Văn