Sáng 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra “Chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu quảng bá du lịch Hồ Nam” với chủ đề “Tam Tương tứ thủy, ước hẹn Hồ Nam”. Sự kiện do Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hồ Nam phối hợp cùng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) tổ chức.
Tham dự chương trình có ông Tưởng Địch Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc); ông Hà Vĩ, Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cùng gần 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch của hai nước; đại diện một số hiệp hội, tổ chức và nhiều doanh nghiệp du lịch uy tín.
Chương trình nằm trong khuôn khổ quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam-Trung Quốc với mục tiêu thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường giao lưu văn hóa và mở rộng hợp tác du lịch giữa hai quốc gia.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Hương Chi)
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian qua hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều bước tiến quan trọng, với sự tham gia chủ động từ cấp trung ương đến địa phương, từ chính phủ đến doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung cả năm 2024, lượng khách Trung Quốc đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng hơn 114% so với năm 2023 cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của nhiều địa phương Trung Quốc. Riêng tại tỉnh Hồ Nam, Việt Nam là thị trường nguồn đứng thứ tư về lượng khách quốc tế nhập cảnh, với hơn 159.000 lượt khách trong năm 2024. Hồ Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét cổ kính và hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Những hình ảnh đặc trưng của Hồ Nam như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn... liên tục được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, góp phần củng cố vị thế của điểm đến này trong tâm trí du khách Việt.
“Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Hồ Nam nói riêng và các địa phương Trung Quốc nói chung trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn; tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch hai chiều; thúc đẩy mở rộng đường bay, cải thiện thủ tục visa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Hương Chi)
Tại sự kiện, ông Hà Vĩ, Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cho rằng, du lịch từ lâu đã được xem là chiếc cầu nối hiệu quả giữa con người với con người, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Trong những năm gần đây, hợp tác du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Năm 2019, Việt Nam đã đón gần 5,8 triệu lượt du khách Trung Quốc, trong khi có khoảng 4,5 triệu lượt người Việt Nam sang thăm Trung Quốc, đây là sự phản ánh sinh động mối quan hệ hữu nghị và sự quan tâm sâu sắc mà nhân dân hai nước dành cho nền văn hóa của nhau. Sau giai đoạn gián đoạn do đại dịch, năm 2024 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của dòng khách Trung Quốc đến Việt Nam, đạt 3,7 triệu lượt. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm và tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc của tỉnh Hồ Nam, lượng du khách giữa hai nước sẽ không ngừng gia tăng, mở ra những triển vọng hợp tác rộng mở, góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước”, Đại sứ Hà Vĩ nhấn mạnh.
Theo ông Hà Vĩ, Trung Quốc luôn coi trọng chính sách ngoại giao “láng giềng hữu nghị, láng giềng hợp tác”, trong đó Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
“Tỉnh Hồ Nam - trung tâm kết nối trọng yếu của khu vực miền Trung Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam bằng tinh thần cởi mở và những hành động thiết thực. Chúng tôi kỳ vọng rằng hai bên sẽ không ngừng tăng cường kết nối chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa thủ tục thị thực, nâng cao tần suất các chuyến bay giữa hai nước, để những chuyến du lịch ‘muốn đi là có thể đi’ trở thành điều bình thường, dễ dàng", Đại sứ Hà Vĩ khẳng định.
Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cũng mong muốn hai bên tiếp tục đổi mới mô hình hợp tác, cùng phát triển các tuyến du lịch theo chủ đề mới như: Du lịch đỏ, du lịch sinh thái, du lịch bằng xe đạp xuyên biên giới, từ đó xây dựng thương hiệu văn hóa - du lịch đặc sắc, mở rộng giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác thanh niên, tổ chức biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể và các chương trình điện ảnh. Tất cả những nỗ lực này nhằm vun đắp cho “cây đại thụ hữu nghị” giữa hai nước mãi mãi xanh tươi, bền vững theo thời gian.
"Chúng tôi tin tưởng rằng những hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường du lịch song phương, đưa cảnh sắc và con người Hồ Nam đến gần hơn với bạn bè Việt Nam, đồng thời giúp du khách Trung Quốc khám phá và trải nghiệm sâu sắc hơn vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ của đất nước Việt Nam", Đại sứ Hà Vĩ nói.
Ông Tưởng Địch Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Hương Chi)
Theo ông Tưởng Địch Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), hợp tác du lịch văn hóa Việt-Trung đang đứng trước triển vọng to lớn, đồng thời nêu một số đề xuất.Thứ nhất, đẩy nhanh cơ chế hợp tác cùng phát triển, xây dựng cơ chế nền tảng văn hóa-du lịch giữa tỉnh Hồ Nam và Việt Nam; xây dựng cơ sở vật chất cho nền tảng du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, phát triển lên một tầm cao mới.
Thứ hai, gắn kết các yếu tố văn hóa cốt lõi, dịch các tác phẩm kinh điển của Hồ Nam và Việt Nam, lấy sự đồng cảm văn hóa làm gốc rễ, chia sẻ cả nguồn lực và sức mạnh tinh thần. Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái ngành, xây dựng các tuyến du lịch xuyên biên giới đặc sắc, một hành trình-nhiều điểm đến; xây dựng hệ sinh thái mới cho tiêu dùng và văn hóa du lịch Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN phát triển bền vững và chất lượng…
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã được thưởng lãm những hình ảnh đặc sắc qua video quảng bá du lịch văn hóa Hồ Nam, lắng nghe giới thiệu về 5 sản phẩm du lịch tiêu biểu, chứng kiến Lễ ký kết dự án hợp tác văn hóa du lịch Thiệu Dương đầy ý nghĩa, cập nhật kế hoạch hợp tác nội dung giải trí "Mang Mango ra biển lớn" và hòa mình vào không gian nghệ thuật với các tiết mục biểu diễn truyền thống đặc sắc của Hồ Nam.
Ngọc Hương