Với việc hệ thống cao tốc được đầu tư trên toàn vùng sẽ giúp khơi thông nút thắt, tạo động lực quan trọng để các địa phương phát triển. Ảnh: ST
“Vượt nắng, thắng mưa”, đưa cao tốc về miền Tây
Trên hành trình gấp gáp dịp cuối năm, chuyến xe đưa chúng tôi từ TP. Hồ Chí Minh đến Vĩnh Long đã được rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây. Sự khác biệt đó được mang lại nhờ tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2023. Với người dân miền Tây, nơi các công trình đi qua, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được ví như dải lụa bắc ngang sông Tiền, nối đôi bờ Tiền Giang, Vĩnh Long và cũng là điểm nối giữa 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp hành trình từ Sài Gòn hoa lệ đến với các tỉnh miền Tây chưa bao giờ giản tiện như lúc này.
Bởi thế, những công trình mang tầm vóc của thời đại trong mắt người dân vùng sông nước Cửu Long giúp giảm bớt cách biệt về điều kiện sống với điểm đầu tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh. “Công trình mang theo niềm hy vọng, gửi gắm ước mơ mà người dân nơi đây chờ mong từ bao thế hệ” - quyền Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long, Đinh Quang Huy cho biết. Theo ông Đinh Quang Huy, mọi sự thay đổi diễn ra quá nhanh, khi chỉ trong thời gian ngắn, công trình đã hoàn thành và cũng chỉ trong chục năm thôi, tuyến cao tốc hiện đại thành hình, mở toang cơ hội phát triển cho khu vực miền Tây. Không đâu xa, chính các kiểm toán viên KTNN do đặc thù công tác thường xuyên phải di chuyển cũng mừng lắm vì đường xá ngày càng đẹp, thuận lợi, đơn cử như quãng di chuyển từ Cần Thơ đến TP. Hồ Chí Minh nay đã rút ngắn còn một nửa. “Trước đi lại cực lắm, mất hơn nửa ngày trời. Nay quãng đường ngắn lại, đi êm như ru. Vừa ngắm sông nước, sau một giấc đẫy là đến nơi” - một kiểm toán viên đi cùng bảo.
Trong suốt nhiều thập niên qua, ĐBSCL là vùng có hạ tầng giao thông kém phát triển so với các nơi khác. Năm 2010, toàn vùng có khoảng 40km đường cao tốc đầu tiên, đó là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Tiền Giang; tiếp đó là 13 năm mỏi mòn trông chờ, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới thành hình thì nay, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đã thông tuyến. Đây là một trong số những công trình cao tốc được hoàn thành tương đối "thần tốc", theo chủ trương “cao tốc hóa” giao thông vùng ĐBSCL đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc được đưa vào mạng lưới quy hoạch đường bộ, những cây cầu vượt sông nối liền các tuyến cao tốc dần hình thành, mang lại diện mạo mới cho vùng ĐBSCL.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) việc hoàn thành các dự án này không chỉ giữ đúng lời hứa về tiến độ, mà lớn hơn là để đền đáp niềm mong mỏi của hàng chục triệu người dân ĐBSCL, những người sẵn sàng dỡ nhà, hy sinh lợi ích để có tuyến giao thông thuận lợi cho vùng đất “chín Rồng”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Thế Minh nhớ như in những ngày rong ruổi bám mấy dự án cao tốc khu vực miền Tây, mới đây là Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Ông bảo, tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương - nơi có dự án cụ thể hóa thành quyết tâm hành động và đưa dự án về đích vượt tiến độ đề ra…
Cơ hội phát triển vùng trong kỷ nguyên mới…
Vùng ĐBSCL nói riêng, mảnh đất miền Nam Bộ nói chung được đánh giá là giàu tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi, song do thiếu hạ tầng giao thông nên chưa thể “cất cánh”; điều kiện kinh tế - xã hội của vùng vì thế khó khăn hơn so với những vùng khác… Đó chính là động lực thôi thúc Trung ương ban hành nhiều nghị quyết riêng, với những chính sách đặc thù về vùng này, trong đó không thể tách rời các chính sách phát triển cao tốc đường bộ cho nơi đây…
Với việc hệ thống cao tốc được đầu tư trên toàn vùng sẽ giúp khơi thông nút thắt, tạo động lực quan trọng để các địa phương phát triển. Đơn cử như với tỉnh Vĩnh Long, khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nói như Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, tuyến cao tốc mở ra cánh cửa vào vùng ĐBSCL, nối thông hai thành phố lớn của vùng và cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. “Tuyến cao tốc khi chạy qua tỉnh trong tương lai không xa sẽ đánh thức hiệu quả tiềm năng kinh tế của tỉnh” - ông Ngời tin tưởng.
Theo đó, ngoài việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông trên quốc lộ 1A, hai dự án còn rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung. Còn với tỉnh Tiền Giang, tuyến cao tốc qua tỉnh sẽ giúp tạo ra dư địa, động lực tăng trưởng mới để tỉnh thu hút đầu tư... Cơ hội này sẽ tiếp tục nhân lên trong thời gian tới, khi các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, từ đó hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, làm tăng tính kết nối đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển vùng Nam Bộ…
Với người dân vùng sông nước, việc hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 không chỉ đơn thuần giúp cải thiện mạng lưới giao thông mà còn mở ra cơ hội mới cho phát triển tiềm năng du lịch - lĩnh vực vốn được ví như “nàng công chúa ngủ quên”. Theo các chuyên gia, các tuyến cao tốc giúp “vẽ” lại bản đồ du lịch, tạo ra nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm mới. Bởi, chỉ có cao tốc mới tạo được sự khác biệt, giúp du khách có thể di chuyển nhanh chóng, tiện lợi và an toàn giữa các điểm đến, giảm thời gian, chi phí... Đơn cử như cầu dây văng Mỹ Thuận 2 dài 6,61km được coi là biểu tượng cho ý chí, sự vươn mình của doanh nghiệp Việt khi làm chủ ý tưởng đến thi công công trình. Hai đỉnh tháp dây văng vút cao, hàng trăm dây văng đan xen như chiếc quạt xòe ra, nổi bật trên nền trời xanh thẳm, soi bóng xuống sông Tiền… đã trở thành điểm nhấn du lịch với du khách khi tới đây.
“Đón đầu cơ hội, Vĩnh Long sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên các tuyến kết nối gắn với phát triển du lịch, đô thị và công nghiệp chế biến” - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Dâng trào niềm vui khi chứng kiến hệ thống cao tốc đang vươn mình qua những con nước để phủ khắp toàn vùng, người dân vùng ĐBSCL vẫn còn đó những trăn trở, khi nguồn lực đầu tư cao tốc hiện mới dừng lại ở các tuyến chính, chưa đồng bộ… dẫn đến gây khó khăn cho việc giao thương. Do đó, niềm mong ước thường trực của chính quyền và người dân vùng sông nước, đó là có thêm nhiều nguồn lực từ Nhà nước, từ xã hội để mở rộng các tuyến đường kết nối đồng bộ, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội vùng thực sự cất cánh./.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL có 13 dự án cao tốc với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được triển khai. Dự kiến đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc. Giai đoạn 2026-2030, khoảng 637km đường cao tốc nữa được hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.
NGUYỄN LỘC