Ngay trước thềm Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những điểm nhấn quan trọng của ngành xây dựng trong năm qua và những định hướng lớn của ngành trong việc phát triển nhà ở xã hội, thị trường bất động sản cũng như sự phát triển của ngành xây dựng trong năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Tăng trưởng ngành xây dựng cao nhất từ năm 2020 đến nay
Thưa Bộ trưởng, để nói về những kết quả quan trọng của ngành xây dựng trong năm vừa qua, Bộ trưởng tâm đắc nhất về điều gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ với chủ đề điều hành năm 2024 "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, trọng tâm, trọng điểm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng đã tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành và đạt được nhiều kết quả tích cực; một số chỉ tiêu vượt so kế hoạch đặt ra, cơ chế chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản từng bước được phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước khắc phục và dần ổn định...
Tăng trưởng ngành xây dựng đạt mức cao nhất kể từ năm 2020 đến nay là 7,87% (vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra là 6,4-7,3%), khẳng định vai trò của ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Tỉ lệ đô thị hóa cũng đạt 44,3%, vượt mục tiêu Quốc hội giao là 43,7%, cho thấy sự phát triển mạnh của đô thị.
Đây cũng là kết quả tích cực của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong kết quả chung đạt được, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật tiếp tục được quan tâm đặc biệt, là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tham mưu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ 1/8/2024; Luật Quy hoạch đô thị và nông thông được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV với tỷ lệ tán thành cao, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đồng thời, Bộ đã soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành và ban hành theo thẩm quyền 5 Nghị định, 1 Quyết định, 2 Thông tư quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm các văn bản hướng dẫn này có hiệu lực đồng thời với các luật. Việc 2 Luật liên quan tới nhà ở và thị trường bất động sản cùng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời đã kịp thời giải quyết, xử lý các vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho địa phương. Qua đó, thúc đẩy phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, góp phần tăng nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các Nghị định, Thông tư, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cũng như xử lý tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, xử lý các vấn đề về phòng cháy chữa cháy… Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm của quốc gia.
Hướng đến sự phát triển bền vững của ngành xây dựng nói chung và đô thị nói riêng, 2 dự án luật là Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước đã được Bộ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Hiện nay, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị và dự án Luật Cấp, thoát nước đang được tập trung xây dựng theo đúng quy định của pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Kết quả xây dựng thể chế pháp luật của Bộ trong năm 2024 đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, hình thành công cụ để tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp mạnh cho các địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Từ đó, đã tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án, công trình trọng điểm quốc gia đang triển khai xây dựng.
Đối với thị trường bất động sản, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để các giải quyết khó khăn, vướng mắc của thị trường, của các dự án bất động sản và nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nhờ đó, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đã có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành, triển khai đầu tư xây dựng, dần hiện thực hóa giấc mơ an cư của người dân thu nhập thấp, khó khăn trong tiếp cận nhà ở.
Có thể nói, Bộ Xây dựng đã nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với nhiều kết quả tích cực. Các chính sách, pháp luật mới đã tăng cường cho công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tạo cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang được Bộ Xây dựng coi là nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Thực hiện hiệu quả giải pháp thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả triển khai phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến thời điểm hiện nay? Nhiệm vụ này đã và đang được cả hệ thống chính trị rất quan tâm và người dân thì rất mong chờ, vậy Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp căn cơ gì để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho người dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị:Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Đây là một trong các chính sách quan trọng, nhân văn nhằm bảo đảm an sinh xã hội.Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong tình hình mới.
Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư có chỉ đạo toàn diện đối với công tác phát triển NƠXH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án 01 triệu căn NƠXH. Đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay.
Bộ Xây dựng đã ban Kế hoạch thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg (Quyết định số 1017/QĐ-BXD ngày 01/11/2024) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển NƠXH để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển NƠXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Cũng trong năm, Bộ Xây dựng phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức 2 Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Chính phủ giao chỉ tiêu NƠXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang hoàn thành trong năm đối với từng địa phương; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 581.218 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án (với quy mô 57.652 căn); Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án (với quy mô 110.217 căn); Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án (với quy mô 412.240 căn).
Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn); Số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023).
Hầu hết các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô khoảng 9.756 ha đất làm nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư: các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).
Mặc dù đã đạt được những kết quả như trên nhưng trong thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng là do các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện; còn có tâm lý chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao từ các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cũng như doanh nghiệp.
Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá toàn diện về chương trình, mục tiêu đề ra, tập trung đôn đốc để triển khai để làm sao có kết quả tốt hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện nghiêm, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành phối hợp để tiếp tục đôn đốc các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm, có chỉ tiêu đăng ký phát triển nhà ở xã hội cao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung gói tín dụng ưu đãi cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội để triển khai hiệu quả hơn.
Đối với các địa phương, phải xác định mục tiêu, trách nhiệm để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương lập Kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo nhiệm vụ được giao, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm; Rà soát, bổ sung quy hoạch, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đặc biệt cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Các địa phương cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Với các cơ chế chính sách pháp luật thông thoáng được ban hành, có hiệu lực, cùng với sự quyết liệt, đồng lòng thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ Xây dựng kỳ vọng thời gian tới, việc phát triển nhà ở xã hội sẽ đạt được những kết quả mong đợi, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển NƠXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng như các bộ,ngành đã tập trung quyết liệt rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Năm 2025, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện kế hoạch tháo gỡ cho các dự án bất động sản theo hướng nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị:Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) được thành lập theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội,TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cho đến nay Tổ công tác đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án theo thẩm quyền.
Có thể nói, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu…, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản.
Qua đó, tình hình thị trường bất động sản, triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản. Trong đó, giải quyết hiệu quả việc mất cân đối nguồn cung, dư thừa sản phẩm bất động sản cao cấp và thiếu hụt các sản phẩm nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ bám sát quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, sử dụng hợp lý các công cụ để điều tiết và định hướng thị trường. Trong đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, lực lượng vũ trang.
Tổ Công tác của Chính phủ và Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu các bộ ngành, địa phương thời gian tới cần chủ động, tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024… và các văn bản quy định chi tiết.
Các địa phương cần chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực trong triển khai các dự án bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Nghiên cứu, định hướng về quy hoạch và cơ cấu sản phẩm nhà ở nhằm đảm bảo tỷ lệ phát triển nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ; khuyến khích các dự án nhà ở thương mại giá rẻ có thể tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản. Đồng thời, tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản nhằm bảo đảm minh bạch, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, tiêu cực trong kinh doanh bất động sản.
Một nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng trong năm qua đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về định mức, đơngiá xây dựng, khai thác và cung ứng vật liệu để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia. Và Bộ trưởng vừa chia sẻ, đây cũng là một thành quả đáng ghi nhận của Bộ. Cụ thể, Bộ đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 02/CĐ-TTg ngày 09.01.2024 yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị triển khai Công điện này.
Bộ đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD, sửa đổi, bổ sung 250 định mức, trong đó chủ yếu tập trung cho các công trình giao thông với 110 định mức; công bố suất vốn đầu tư xây dựng và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2023 tại Quyết định số 816/QĐ-BXD với 798 chỉ tiêu, tăng 27 chỉ tiêu so với công bố năm 2022.
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ đối với các mỏ khoáng sản khai thác làm VLXD thông thường theo cơ chế đặc thù, Bộ Xây dựng đã có các văn bản số 4166/BXD-KTXD ngày 15/09/2023, số 641/BXD-KTXD ngày 19/02/2024 và số 1338/BXD-KTXD ngày 28/03/2024… gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó đã hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách xác định các khoản mục chi phí có liên quan; thẩm quyền của các chủ thể trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại các dự án trọng điểm ngành giao thông được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác vật liệu xây dựng. Đến nay công tác xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù cơ bản đã được giải quyết.
Có thể nói, với các nội dung hướng dẫn này của Bộ Xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng đã cơ bản có đầy đủ công cụ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cơ chế đặc thù này đã phát sinh một số vướng mắc trong đó có việc xác định chi phí khai thác vật liệu xây dựng tại mỏ, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; ảnh hưởng đến công tác thanh toán, giải ngân vốn đầu tư.
Trước tình hình đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố, hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách xác định các khoản mục chi phí có liên quan và thẩm quyền của các chủ thể trong xác định và quản lý chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù tại các dự án trọng điểm ngành giao thông. Đến nay, công tác xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù cơ bản đã được giải quyết.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Toàn Thắng thực hiện