Đưa cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng

Đưa cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng
một ngày trướcBài gốc
Các tình nguyện viên trình diễn cổ phục tại chương trình "Hoa Lư bộ hành - Đại Cồ Việt y quan". Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Đưa cổ phục Việt về miền di sản
Tại Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, các hoạt động trình diễn cổ phục Việt là một điểm nhấn đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách.
Xuyên suốt Festival, cổ phục Việt xuất hiện rất nhiều trong các chương trình, sự kiện. Ngay từ đêm khai mạc, chương trình tái hiện mốc son lịch sử, dấu ấn trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nên phần cổ phục được đầu tư công phu, với sự tham gia của các chuyên gia cố vấn.
Trong một số sự kiện, Ban tổ chức khuyến khích người dân cùng tham gia và trải nghiệm mặc cổ phục như Lễ hội đường phố, Hội quán Dục Thúy Sơn... Đây không chỉ đơn thuần là sân chơi dành cho người đam mê hóa trang mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tôn vinh cổ phục Việt, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự đam mê nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử dân tộc trong giới trẻ.
Cố vấn trang phục Nguyễn Đức Lộc chia sẻ, các trang phục thời Đinh, Tiền Lê, Lý, hay của các cố đô Thăng Long, Huế trình diễn tại đêm Khai mạc Festival lần thứ III được nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo cứu từ nhiều năm, đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử đồng thời phù hợp yếu tố sân khấu. Cổ phục là nét đẹp văn hóa truyền thống, đã và đang được phục dựng, nghiên cứu, ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống hiện đại. Hi vọng những nghiên cứu, phục dựng cổ phục có thể giúp công chúng và du khách hiểu, thêm yêu di sản văn hóa Việt Nam.
Mới đây, tại không gian trang trọng, linh thiêng của Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, hoạt động trình diễn cổ phục thời Đinh - Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều du khách quốc tế. Họ thích thú khi được chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người nơi đây.
Dựa trên việc nghiên cứu tư liệu lịch sử, nhóm Hoa Lư Legacy đã phục dựng các bộ cổ phục với hình dáng, màu sắc, họa tiết mang đặc trưng của thế kỷ thứ X, gửi gắm những câu chuyện hấp dẫn, kết hợp hài hòa cùng phụ kiện, trang sức… giúp du khách có thể nhìn nhận đầy đủ hơn về một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt.
Bà Trịnh Thị Lý, thành viên nhóm Hoa Lư Legacy chia sẻ, cổ phục Việt Nam là di sản quý, chứa đựng hồn cốt của dân tộc từ ngàn đời cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Chương trình nhằm giới thiệu những giá trị truyền thống đến với đông đảo quần chúng, đặc biệt là giúp bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Chương trình là cách thể hiện tình yêu, niềm tự hào về trang phục và hồn cốt Việt, sự tôn vinh, giới thiệu, trình diễn cổ phục Việt Nam. Đây là dịp chia sẻ tình yêu từ các cá nhân, nhóm nghiên cứu - sưu tầm - ứng dụng cổ phục tại Ninh Bình, góp phần đưa những trang phục này đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Nhóm rất vui vì khi phát động chương trình đã có đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Chương trình thu hút nhiếp ảnh gia tại tỉnh và Nam Định tham gia chụp hình, quảng bá nét đẹp cổ phục Việt.
Lan tỏa tình yêu văn hóa Việt
Gần đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt những người trẻ yêu truyền thống, các cụm từ như áo tấc, Nhật Bình, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh…được nhiều người biết đến. Nhờ đó, tìm thuê cổ phục Việt ở Ninh Bình hiện nay đang là xu hướng thu hút giới trẻ. Giữa khung cảnh đất trời hùng vĩ đất cố đô cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du khách khoác lên mình những mẫu cổ phục càng làm tăng lên vẻ đẹp và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Theo chị Nguyễn Thị Nhàn, chủ cơ sở cho thuê trang phục, ở thành phố Hoa Lư, những năm gần đây, các bạn trẻ ưa thích thuê những bộ cổ phục Việt.
Thông thường các bộ cổ phục sẽ đi kèm thêm mấn vành, đôi hài, guốc đen và phụ kiện. Màu sắc của trang phục rất phong phú ví dụ như màu áo Nhật Bình của bậc hậu đều là màu vàng chính sắc, đôi khi là màu cam. Trong khi đó của công chúa là màu đỏ chính sắc, các bậc phi tần nhị giai là màu xích đào, bậc tam giai là màu tím chính sắc và bậc tứ giai là màu tím nhạt. Còn lại là các bậc phi tần thấp hơn không có quy định trang phục này. Màu sắc áo của các mệnh phụ quy định dựa vào phẩm cấp của chồng. Bậc nữ quan có trang phục đơn giản hơn hẳn, gần với áo phi phong nguyên mẫu nhất. Hiện nhiều bạn trẻ tìm đến cửa hàng để thuê áo Nhật Bình nên các cửa hàng đều có rất nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu này.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình thông tin, nhiều chương trình được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả nhằm đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về dấu ấn văn hóa, truyền thống của vùng đất cố đô Hoa Lư. Hiện ngoài chuỗi chương trình về cổ phục, tại Ninh Bình còn thường xuyên diễn ra trưng bày, trình diễn nhuộm vải; trao đổi, liên kết, giới thiệu mẫu may đo cổ phục. Vì vậy, nhiều đơn vị chuyên về cổ phục đã "dịch chuyển" về địa phương với mong muốn giới thiệu, tìm kiếm cơ hội nhằm đưa cổ phục lan tỏa rộng rãi hơn. Đó cũng là mô hình có tác động tích cực tới việc quảng bá văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch, liên kết kinh doanh thời trang, nhiếp ảnh, phim trường…
Điều đó khẳng định mục tiêu phát triển của Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, là nơi các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên được bảo tồn, lan tỏa và phát huy, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hải Yến (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/dua-co-phuc-viet-den-gan-hon-voi-cong-chung-20250107121124572.htm