Đưa công nghệ mới vào quản lý dự án: nhiều lợi ích

Đưa công nghệ mới vào quản lý dự án: nhiều lợi ích
2 ngày trướcBài gốc
Nhiều lợi ích
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết nghị chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/NQ15 ngày 16/6/2022; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2022/NQ15. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trao đổi nghiệp vụ về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
Ngày 20/12/2023, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6479/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tiếp đó, tại Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 UBND TP đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội triển khai lập thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước trong Dự án thành phần 3.
Thực hiện Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; trên cơ sở Quyết định số 6479/QĐ-UBND ngày 20/12/2023, Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 16/1/2024 của UBND TP, để triển khai thực hiện hoàn thành công tác lập thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước trong Dự án thành phần 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tích cực, tập trung triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà thầu tư vấn, ký kết các hợp đồng trong năm 2024 và tổ chức triển khai theo kế hoạch nhằm đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Việc đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Thủ đô Hà Nội; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, nên cần thiết phải áp dụng các tiến bộ, khoa học và công nghệ tiên tiến nhất trong công tác thiết kế, triển khai thi công nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Trong đó, đối với các gói thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng các hạng mục đầu tư xây dựng của tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước trong Dự án thành phần 3 đã yêu cầu thực hiện áp dụng lập mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế và quản lý dự án. Việc áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt với công nghệ thông tin trong lĩnh vực xây dựng là giải pháp nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng công trình và tăng tính hiệu quả đầu tư xây dựng.
Kỹ sư xây dựng cầu đường, thạc sĩ Vũ Mạnh Tuấn - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chia sẻ, là người tham gia thực hiện Dự án thành phần 3 và gói thầu số 10/TP2-XL (Dự án thành phần 2.1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội), BIM giúp trực quan hóa thông qua hình ảnh mô phỏng 3 chiều hỗ trợ giúp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội dễ dàng phát hiện bất hợp lý trong quá trình đánh giá, nhanh chóng, hiệu quả hơn, để lựa chọn phương án tối ưu nhờ các thông tin được tích hợp sẵn trong mô hình.
Đây còn là công cụ để lập kế hoạch toàn diện, nâng cao khả năng điều hành, quản lý tổng thể đối với cả vòng đời dự án ở trình độ công nghệ tiên tiến theo mô hình không gian 3D. BIM cung cấp một mô hình trực quan, cùng với các yếu tố tích hợp như tiến độ thi công giúp quản lý thực hiện công việc dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt về huy động nguồn vốn. Việc ứng dụng BIM thông qua việc tiêu chuẩn hóa tất cả các công đoạn thực hiện, cách thức chuyển giao dữ liệu… bằng các hướng dẫn, quy định, các file mẫu.
"Nhờ đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội theo dõi, giám sát việc thực hiện thiết kế, thi công thuận lợi, chính xác. Các nội dung liên quan đến công việc trong suốt quá trình thực hiện dự án được cập nhật đầy đủ theo chức năng được quản lý thông qua hình ảnh mô phỏng không gian theo trình tự xây dựng, để tất cả các bên liên quan từ chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, thi công... tham gia đều có thể tiếp cận bằng phương pháp tại chỗ hoặc qua mạng" - thạc sĩ Vũ Mạnh Tuấn cho hay.
Còn rào cản trong áp dụng
Mặc dù có những điểm lợi nhưng vì nhiều lý do, việc áp dụng BIM trong thực tiễn còn nhiều hạn chế. Trong đó, về nhân lực, nhân sự có thể tham gia thực hiện BIM không đồng đều và gần như không đồng nhất trong cách làm việc. Hiện nay, ở các đơn vị tư nhân và những đơn vị quản lý Nhà nước, đa số dùng máy tính thế hệ cũ, không đủ sức chạy các phần mềm BIM Tool. Để thay toàn bộ máy tính thì tốn kém nguồn ngân sách lớn.
Thi công thảm BTN Km15 (đê Hữu Hồng - Đan Phượng) gói 9 - Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Thành Luân
Bên cạnh đó là vấn đề “Bản quyền phần mềm” - rất ít cá nhân và tổ chức sử dụng phần mềm có bản quyền. Một khó khăn nữa là đa số tài liệu được viết bằng tiếng Anh và các tiêu chuẩn cũng như hệ thống pháp lý của họ khác với trong nước. Do đó muốn tham khảo hay sử dụng được các tiêu chuẩn hay tài liệu này phải chuyển ngữ hoặc thay đổi cách làm việc.
Kỹ sư xây dựng cầu đường Chu Việt Tú cho rằng, để tháo gỡ khó khăn và để BIM phát huy hiệu quả mang lại trong công tác quản lý dự án, các cán bộ, viên chức của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm chuyên môn và không ngừng học tập, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp để quản lý tốt hơn, cập nhật kiến thức chuyên môn nâng cao kỹ năng quản lý, vận hành BIM để có thể quan sát một cách trực quan trong công tác quản lý tài sản và vận hành thiết bị, công trình...
Ứng dụng BIM là một trong những ứng dụng chuyển đổi số trong đầu tư xây dựng là nội dung rất quan trọng, là xu hướng phát triển tất yếu chung trong việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM trong lĩnh vực xây dựng sẽ góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công, quản lý dự án đầu tư xây dựng và thúc đẩy chuyển đổi số ngành xây dựng vì vậy rất cần đẩy nhanh quá trình này.
Thành Luân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dua-cong-nghe-moi-vao-quan-ly-du-an-nhieu-loi-ich.html