Huyện Kbang, tỉnh Gia Lai hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp nguyên sơ của rừng núi, những thác nước hùng vĩ và nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương.
Thiên nhiên ưu đãi
Đầu tháng 11 này, tôi xuất phát từ trung tâm thành phố Pleiku, theo Quốc lộ 19 khám phá huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - nơi còn được biết đến là "viên ngọc xanh Tây Nguyên". Sau khoảng hơn 2 giờ lái xe, băng qua những cung đèo, đồi núi nhấp nhô, cánh đồng mía xanh mát, rừng bạch đàn ngút ngàn tôi đã đến huyện Kbang.
Vùng đất này được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, là nơi hội tụ của rừng núi, thác nước và các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.
Huyện Kbang nổi tiếng với nhiều thác nước tuyệt đẹp như: thác Hang Én (còn gọi là thác K50, thác Kon Bông (còn gọi thác ba tầng), thác Hang Dơi, thác Lệ Kim...
Trong đó, thác Hang Én còn được ví là "tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn". Thác nước này nằm cách trung tâm huyện Kbang không xa, là điểm nhấn không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Kbang. Với dòng nước trắng xóa đổ từ độ cao 50m xuống lòng suối trong xanh, thác Hang Én tạo nên một khung cảnh tráng lệ và hoang sơ giữa mênh mông rừng già.
Khung cảnh rừng rậm bao quanh thác Hang Én và tiếng nước đổ ào ạt tạo nên không gian thiên nhiên vô cùng yên bình, thích hợp cho những ai muốn tìm đến sự tĩnh lặng và thư thái - Ảnh Phan Nguyên
Từ TP HCM đến với thác Hang Én, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng ngỡ ngàng trước cảnh sắc tuyệt đẹp của thác Hang Én. “Tôi không nghĩ rằng ở Tây Nguyên lại có nơi nào đẹp như chốn tiên cảnh giữa núi rừng. Cảm giác thức dậy giữa rừng, nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy và hít thở không khí trong lành làm tôi thấy sảng khoái và yêu thiên nhiên hơn bao giờ hết” - chị Hằng chia sẻ..
Ngoài các thác nước với những vẻ đẹp độc đáo, huyện Kbang còn nhiều địa điểm hấp dẫn du khách khác như: Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Tây Nguyên, nơi có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với vẻ đẹp hoang dã, là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm; những ngôi làng còn lưu giữ văn hóa đậm đà của người Ba Na...
Đặc biệt, nhờ được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh nên khí hậu ở huyện Kbang quanh năm mát mẻ, không khí rất trong lành sẽ xóa hết được những âu lo, muộn phiền nơi phố thị tấp nập để tận hưởng cảm giác thoải mái, thư giãn.
Phát triển du lịch sinh gắn với thiên nhiên
Với lợi thế về văn hóa, là một phần của cao nguyên Kon Hà Nừng - đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 2021 - huyện đã và đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa độc đáo của người dân địa phương.
Trong những năm qua, nhiều người dân Ba Na đã dần thay đổi, dịch chuyển dần từ làm nông nghiệp sang làm du lịch. Anh Đinh Văn Nhú, trưởng thôn Kon Bông, xã Đăk Krong, huyện Kbang, cho biết thác Ba Tầng cách làng 1km, là địa điểm hấp dẫn du khách. Từ đầu năm 2024, làng Kon Bông đã đón hơn 40 đoàn khách, với mỗi đoàn từ 20 đến 30 người đến tham quan thác Ba Tầng.
Những ngôi làng của người Ba Na bình yên bên ở huyện Kbang
Sau khi vui chơi tại thác, những đoàn muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Ba Na, dân làng đã làm sẵn nhà, mời họ ở lại nhà lưu trú. "Bà con nuôi gà đồi, nuôi heo đen, trồng dứa không mắt để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, chúng tôi còn duy trì luyện tập đội cồng chiêng và đội xoang để phục vụ khi du khách có nhu cầu" - anh Nhú nói và cho biết đã có trên 20 hộ gia đình trong làng tham gia phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, giới thiệu Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có hơn 20 thác có thể đưa vào phát triển du lịch.
Du khách có thể tham gia các hoạt động Trekking, khám phá rừng già, thác nước và cảnh quan hùng vĩ của vùng cao nguyên. "Đầu tư vào các lĩnh vực du lịch là cơ hội để quảng bá Cao nguyên Kon Hà Nừng đến với các tổ chức trong nước và quốc tế" - ông Quân nói.
Ngoài các cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, huyện Kbang là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Ba Na với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản phi vật thể được UNESCO công nhận – là một phần quan trọng trong đời sống của người Ba Na tại đây.
Người Ba Na vẫn duy trì các lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, các tập tục về tín ngưỡng và đời sống cộng đồng, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huyền, một du khách từ Hà Nội, đã có một hành trình thú vị sau 2 ngày khám phá huyện Kbang. "Quãng đường dài để đến đây quả là rất xứng đáng, cảnh đẹp thật hùng vĩ và người dân nồng hậu, tình cảm" - chị Huyền nói.
Triển khai nhiều hoạt động cho du lịch
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Gia Lai, cho biết tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh vùng đệm rừng. Tỉnh cũng đang thực hiện kế hoạch phát huy giá trị Cao nguyên Kon Hà Nừng với các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Để cụ thể hóa, tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng để triển khai các nội dung này.
Hoàng Thanh