Đưa golf vào diện chịu thuế như rượu, bia, thuốc lá là sai lệch về bản chất?

Đưa golf vào diện chịu thuế như rượu, bia, thuốc lá là sai lệch về bản chất?
7 giờ trướcBài gốc
Quan điểm trên được ông Lê Kiên Thành, Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), chia sẻ trong cuộc trao đổi với PV VietNamNet trước một ý kiến đề xuất tăng thuế suất đối với dịch vụ kinh doanh golf trong phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 9/5.
Hơn 20 năm kể từ khi sân golf đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, đến nay cả nước có khoảng 80 sân golf. Con số này vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan với hơn 300 sân, Malaysia gần 200 sân...
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với golf. Mức thuế hiện tại là 20%, cao hơn so với chính sách của nhiều nước cạnh tranh trực tiếp về du lịch golf.
Ông Lê Kiên Thành nhận xét, chơi golf tại Việt Nam hiện đắt đỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... do bị cộng thêm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Một vòng golf tại Việt Nam, tính theo thu nhập thực tế, có thể đắt gấp 2-5 lần so với các nước kể trên, dù những quốc gia đó có thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Trong 10 năm qua, mức phí chơi golf tại nhiều sân đã tăng từ 100 đến 150%. Giá chơi golf ở Việt Nam cao so với mức thu nhập bình quân của người dân, khiến môn thể thao này luôn bị xem là ‘xa xỉ phẩm’ dành cho người giàu và trở thành rào cản lớn trong việc phát triển”, ông Thành nói.
Các dịch vụ kinh doanh golf đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20%. Ảnh minh họa: Anh Phương
Cũng theo ông Thành, 20 năm trước, việc coi golf là môn thể thao “thượng lưu” có thể hiểu được. Tuy nhiên, hiện nay golf trở nên phổ cập hơn, phục vụ đa dạng đối tượng từ người chơi phong trào, khách du lịch đến thanh thiếu niên. Golf cũng đã được công nhận rộng rãi ở khu vực và quốc tế. Vì vậy, việc tiếp tục gắn mác “xa xỉ” và áp thuế như với hàng hóa đặc biệt là điều cần xem xét lại.
“Cần nhấn mạnh rằng, golf là một môn thể thao và phải được đối xử bình đẳng như các môn thể thao khác. Dịch vụ kinh doanh phục vụ một môn thể thao thì vì sao lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Vấn đề không nằm ở golf, mà ở cách nhìn nhận để đưa ra cách ứng xử và chính sách phù hợp,” ông Thành nêu quan điểm.
Du lịch golf, ngành hút ngoại tệ
Chủ tịch VGA cho rằng, ngoài cách nhìn chưa đúng về bản chất thể thao, giá trị kinh tế mà golf mang lại vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện và khách quan.
Hiện nay, golf không chỉ là một môn thể thao mà còn là sản phẩm du lịch cao cấp, thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo ông Thành, chi tiêu của khách du lịch chơi golf cao gấp 6-8 lần so với khách du lịch thông thường. Một golfer quốc tế chi trung bình từ 3.000 đến 5.000 USD mỗi lượt, chứng tỏ golf đang góp phần nâng cao hình ảnh du lịch chất lượng cao, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch nhờ nhóm khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
“Thái Lan có quan niệm rất khác về golf. Họ từng phát động phong trào chơi golf với giá 20 USD/ngày để thu hút khách quốc tế. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến golf hàng đầu khu vực, được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh. Do đó, cần nghiên cứu chính sách miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ golf. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch cao cấp,” ông Thành phân tích.
Thực tế, đã có nhiều tổ chức, đơn vị và cá nhân trong ngành golf kiến nghị về việc điều chỉnh hoặc gỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ golf để phù hợp với xu hướng phát triển mới. Như tỉnh Quảng Nam từng gửi kiến nghị đến các bộ, ngành đề xuất bãi bỏ loại thuế này.
Tại nhiều hội thảo về du lịch golf, các chuyên gia cũng đánh giá chính sách thuế đang là một rào cản lớn, cần được điều chỉnh theo hướng giảm hoặc miễn thuế, mức đề xuất phổ biến là từ 5-7%.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi góc nhìn về golf, để không còn xem đây là một “xa xỉ phẩm” bị đánh thuế cao, ông Thành cho hay bất kỳ thuế suất nào tăng thêm cũng sẽ đẩy giá dịch vụ lên, khiến người chơi và du khách phải gánh thêm chi phí, từ đó làm suy giảm động lực phát triển của doanh nghiệp.
"Chính sách thuế cần bảo đảm nguyên tắc thu đúng, thu đủ, đồng thời không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn thu tiềm năng khác. Gần như toàn bộ hệ thống sân golf ở Việt Nam được phát triển bởi các doanh nghiệp tư nhân lớn. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy và mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sự phát triển của thể thao golf Việt Nam”, ông Thành đề xuất.
Hồng Khanh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dua-golf-vao-dien-chiu-thue-nhu-ruou-bia-thuoc-la-la-sai-lech-ve-ban-chat-2400882.html