Chiến tranh đã lùi xa nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa được xác định danh tính. Hành trình chạy đua cùng thời gian để đưa liệt sĩ trở về quê hương, trong vòng tay của gia đình, đồng đội vẫn đang được tiếp nối.
Giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công là hai thông tin duy nhất mà bà Nguyễn Thị Miến có được về người cha liệt sĩ của mình.
Nhập ngũ năm 1965, đến năm 1971, liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng hi sinh. Khi đó, bà Miến mới hai tuổi. Năm năm sau, vợ liệt sĩ qua đời do bạo bệnh, con gái sống nương nhờ nhà bác ruột.
Mặc dù cuộc sống nhiều vất vả toan lo nhưng bà Nguyễn Thị Miến cùng chồng luôn khắc khoải phải tìm kiếm phần mộ của cha.
Ông Lê Văn Dương - Con rể liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng cho biết: “Chúng tôi đã đi hết các cơ quan, đơn vị để tìm. Rồi từ anh em, bạn bè của liệt sĩ chúng tôi cũng cố gắng tìm nhưng đồng đội của liệt sĩ không có ai, cha mẹ, anh em liệt sĩ cũng không biết thông tin gì”.
36 năm qua, vợ chồng bà Miến kiên trì hành trình tìm kiếm. Năm 2023, gia đình có thông tin liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng thuộc Bộ Tư lệnh công binh.
Sau khi xin trích lục hồ sơ, có 6 liệt sĩ hy sinh cùng một ngày, chôn cất cùng một chỗ, cùng tọa độ. Sau đó, hài cốt liệt sĩ Thưởng được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Bình. Gia đình bà Miến đã được hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác minh thông tin, giám định ADN.
“Đầu năm 2025, đã có quyết định chính thức xét nghiệm ADN trùng khớp với thân nhân liệt sĩ”, ông Lê Văn Dương chia sẻ.
Sau 54 năm, gia đình đã thỏa nguyện ước đón liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng về nghĩa trang liệt sĩ Yên Viên, huyện Gia Lâm trong lá cờ đỏ sao vàng cùng tình yêu thương của gia đình, người thân.
Bà Nguyễn Thị Miến - Con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng cho biết: “Con gái đã hoàn thành ước nguyện đưa bố về gần với con, với cháu. Đưa bố đi đến nơi về đến chốn được an toàn. Các ban ngành đã đưa bố tôi ra nghĩa trang, là nơi yên nghỉ cuối cùng một lần nữa của bố tôi, là toại nguyện lớn nhất của tôi và gia đình”.
Trung tướng Trần Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có hồ sơ của liệt sĩ thì chúng ta mới tìm được các bước tiếp theo. Trong quá trình triển khai tìm mộ liệt sĩ, như các bạn biết, chiến tranh đã qua rất lâu rồi, địa hình địa mạo, địa chất thay đổi, rồi danh tính các địa phương cũng có sự thay đổi, việc xác định thông tin của liệt sĩ rất khó khăn, đòi hỏi rất là kỳ công”.
Xa người cha khi hai tuổi, tưởng chừng không thể hoàn thành được tâm nguyện, có những lúc sự tìm kiếm trở nên vô vọng tưởng phải buông xuôi. Những nỗ lực của vợ chồng bà Miến đã được đền đáp.
Cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được thông tin, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Hàng trăm nghìn gia đình mong chờ đưa liệt sĩ trở về trong niềm vui đoàn tụ cùng gia đình, người thân.
Việt Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dua-hai-cot-liet-si-tro-ve-sau-nua-the-ky-324132.htm