Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn và đối tác Công ty Kematsu (Nhật Bản) kiểm tra chất lượng lúa tại thị trấn Thiệu Hóa.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi từ sản xuất lúa gạo với người dân, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đưa các giống lúa mới có chất lượng cao vào khảo nghiệm và nhân rộng. Qua đó, công ty đã đưa giống lúa Japonica J02 của Nhật Bản vào sản xuất quy mô lớn với 500ha trên đồng đất của huyện Thiệu Hóa. Vùng lúa được trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn VietGAP. Hạt gạo tròn, khi nấu chín hạt cơm trắng ngà, dẻo thơm, vị đậm, hàm lượng dinh dưỡng cao. Để nâng cao chất lượng, công ty đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Tháng 11/2024, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã xuất đi Singapore 300 tấn gạo giá trị 200.000 USD. Việc sản phẩm gạo “made in Thanh Hóa” lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ra thế giới với quy mô lớn đã mở ra hướng phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà còn nâng tầm giá trị hạt gạo xứ Thanh.
Theo Phó Giám đốc phụ trách thương mại xuất nhập khẩu, Công ty CP Mía đường Lam Sơn Trần Xuân Trung, hiện công ty cơ bản hoàn tất thủ tục với đối tác là Công ty Kematsu của Nhật Bản và dự kiến tháng 6/2025 sẽ xuất lô hàng gạo đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Cũng trong năm 2025, công ty đã ký hợp đồng với đối tác xuất khẩu từ 1.200 tấn đến 1.500 tấn gạo sang thị trường các nước
Singapore, Australia. Để có nguồn nguyên liệu gạo đạt chuẩn xuất khẩu, trong vụ lúa xuân ngoài sản xuất tập trung 500ha lúa của công ty ở huyện Thiệu Hóa, công ty còn liên kết trồng lúa với người dân các huyện Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn... để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Hàng năm, toàn tỉnh duy trì diện tích gieo cấy lúa 227.500ha, đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung bộ và miền Bắc, sản lượng lương thực duy trì 1,57 triệu tấn/năm. Để nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh, hướng đến thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương và doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kỹ thuật và đưa các giống mới vào sản xuất. Trong đó, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, được thị trường quốc tế lựa chọn nhập khẩu như: ST24, ST25, J02 cho thị trường Nhật Bản; các giống Q5, BC, TBR1 cho thị trường Trung Quốc... Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cho các vùng sản xuất lúa và xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất lúa tập trung để hướng tới xuất khẩu.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển VINAGREEN Đỗ Minh Thủy cho biết, hiện công ty đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu với các giống gạo nếp cái hoa vàng, gạo ST25, gạo Japonica tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, Triệu Sơn, Quảng Xương... Công ty đã mời một số đối tác của Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Indonesia... đến khảo sát, kết nối xuất khẩu sản phẩm lúa gạo và các sản phẩm nông nhiệp của công ty. Hiện công ty đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến giấy phép xuất khẩu và quy hoạch vùng trồng, phấn đấu thực hiện đơn hàng xuất khẩu gạo đầu tiên vào tháng 8/2025 cho các đối tác. Cuối tháng 2/2025, công ty đã tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao VINAGREEN tại huyện Triệu Sơn với quy mô 6,5ha, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất chế biến lúa gạo 100.000 tấn/năm.
Từ những nỗ lực của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo của xứ Thanh ra thị trường thế giới đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của các loại gạo, từng bước nâng cao vị thế hạt gạo xứ Thanh trên thị trường.
Bài và ảnh: Lê Hợi