Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo tán chè cho người dân.
Bản Thèn Pả là nơi sở hữu số lượng cây chè cổ thụ nhiều nhất xã Sa Lông. Gia đình anh Sần Seo Siền có gần 30 cây chè mọc quanh nhà. Có cây thân to già, gốc xù xì, rêu mốc bám quanh, tán phủ rộng đến 5 mét. Anh Siền không nhớ được những cây chè đó có từ bao giờ. Chỉ biết từ đời ông của Siền kể lại thì những cây chè này đã hiên ngang mọc giữa vườn nhà. Trải qua bao năm tháng, những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Thèn Pả vẫn lặng lẽ vươn mình giữa mây mù.
Cách nhà anh Siền không xa là gia đình anh Tông Seo Phìn. Cả 10 cây chè của gia đình đều là chè Shan tuyết cổ thụ, đường kính thân trên 10cm. Trong đó, có cây tuổi đời hơn 100 năm.
Người Thèn Pả thường dùng nước chè làm thức uống hàng ngày. Hơn thế, cây chè còn là tài sản cha ông để lại, nên không ai bảo ai đều chăm sóc, bảo vệ những cây chè như thành viên trong gia đình.
Bên hàng rào đá, những cây chè cổ thụ vươn mình đón nắng mai.
Ông Hồ A Thào, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: UBND xã thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo tồn cây chè đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn chế biến, bảo quản chè cho người dân. Từ đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu ổn định, góp phần tạo thu nhập nâng cao đời sống.
Hiện nay, huyện Mường Chà duy trì và bảo tồn 4.441 cây chè cây cao (trong đó 964 cây chè cổ thụ), tập trung ở 4 xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, Sá Tổng. Với gần 3.000 cây chè (trong đó 361 cây cổ thụ), Sa Lông là xã có diện tích chè cây cao lớn nhất trên địa bàn huyện. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, chè cây cao tại huyện Mường Chà mang nhiều nguồn gen quý hiếm, chất lượng tương đương với chè cổ thụ của các địa phương khác và chưa bị tác động bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên thích hợp để sản xuất chè hữu cơ chất lượng cao.
Những năm gần đây, cây chè Shan tuyết ở Mường Chà được một số doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu. Tại các hội nghị quan trọng, chương trình xúc tiến thương mại, chè Shan tuyết cũng “góp mặt” như một cách mà huyện quảng bá sản phẩm rộng rãi. Để người dân yên tâm gắn bó, bảo tồn và phát triển giống chè Shan tuyết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật đốn tỉa cành tạo tán; biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây chè. Trung tâm cũng phối hợp với Chương trình vùng Mường Chà tổ chức 4 lớp tập huấn cho 82 hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh hại chè cổ thụ Shan tuyết. Đối với kỹ thuật chế biến chè xanh, 2 đơn vị cũng triển khai kế hoạch phối hợp đưa người dân đến tập huấn các kỹ thuật chế biến từ diệt men, vò chè, làm khô, đánh hương, sàng sảy đến đóng gói, bảo quản tại Công ty TNHH Hương Linh (huyện Tủa Chùa).
Mới đây 2 nhóm “Bảo tồn và phát triển chè cây cao” gồm 68 thành viên là những hộ dân sở hữu chè cây cao tại 4 xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, Sá Tổng đã được thành lập. Đây cũng là hướng đi bền vững mà huyện Mường Chà xác định để phát triển kinh tế hộ, từng bước phát triển thành sản phẩm OCOP của huyện. Chương trình vùng Mường Chà đã hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống máy chế biến chè gồm: Máy sao, máy vò, máy hút chân không để trang bị cho các hộ gia đình thuộc 2 nhóm này. Đến nay, huyện đã tìm được địa điểm và san ủi mặt bằng để xây dựng nhà xưởng chế biến chè tại bản Thèn Pả.
Bà Lâm Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà cho biết: Đưa hương chè Shan tuyết bay xa là hành trình dài của huyện. Nhất là khi hiện nay, kinh phí triển khai cho các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu được hỗ trợ từ Chương trình vùng huyện Mường Chà. Các loại máy chế biến chè đã được bàn giao từ giữa tháng 10/2024 nhưng đến nay chưa vận hành do thiếu kinh phí xây dựng nhà xưởng chế biến và lắp đặt điện 3 pha. Chưa có quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo tồn cây chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh. Chưa có tiêu chí xác định chính xác được cây chè cổ thụ nên chưa xác định được đối tượng hỗ trợ theo quy định. Hi vọng những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ, cây “vàng xanh” ở Mường Chà sẽ phát huy giá trị đặc biệt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Mai Phương