Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống: Bảo đảm công khai, minh bạch

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống: Bảo đảm công khai, minh bạch
10 giờ trướcBài gốc
Tiết học sinh hoạt chuyên đề Học thông qua chơi của Trường Tiểu học Hùng Vương (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Điều này đòi hỏi cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập và thường xuyên từ cơ sở giáo dục đến cấp quản lý nhằm bảo đảm quy định được thực hiện nghiêm túc, minh bạch.
“Điều hòa” chất lượng giáo dục
Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hòa Cường, Đà Nẵng) cho biết: “Theo quy mô lớp học thì năm học 2025 - 2026, nhà trường thiếu 1,5 giáo viên văn hóa. Và 5 trường tiểu học khác trong địa bàn phường cũng trong tình trạng phát triển ‘nóng’, sau mỗi năm học đều tăng thêm số lớp do tăng dân số cơ học. Nếu UBND phường thực hiện luân chuyển giáo viên thì chỉ ở phạm vi 6 trường học của phường, không thể điều tiết giáo viên từ địa bàn khác về. Nhưng khi sở GD&ĐT làm đầu mối quản lý, việc luân chuyển giáo viên từ phường này sang phường khác có thể thực hiện được”.
Ông Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh (Trà Vân, Đà Nẵng) cho rằng, với Luật Nhà giáo, các trường học sẽ có “tiếng nói” ở mức độ nhất định trong tuyển dụng và luân chuyển giáo viên.
“Trước đây, một số giáo viên hợp đồng hưởng lương ngân sách, sự gắn bó với tập thể nhà trường đôi lúc còn rời rạc. Giáo viên có tâm lý Ban giám hiệu không tham gia đánh giá chuyên môn trong hồ sơ công tác nên không ảnh hưởng trong việc thi tuyển dụng hoặc chuyển sang hợp đồng ở một trường học khác.
Điều này, ở chừng mực nào đó, sẽ góp phần làm thay đổi tâm thế giáo viên dạy học và các hoạt động khác để họ nỗ lực, tâm huyết, cống hiến hơn”, ông Điệp nêu quan điểm và kỳ vọng, việc ngành Giáo dục thực hiện tuyển dụng giáo viên thì các trường sẽ đủ định biên giáo viên/lớp như tiêu chí của Bộ GD&ĐT xây dựng.
Ngoài ra, với sự điều chỉnh này, UBND các xã, phường đề xuất nhu cầu dựa trên báo cáo của các trường học để ngành Giáo dục có cơ sở thực hiện luân chuyển, tuyển dụng nên bài toán thừa - thiếu cục bộ vốn đã kéo dài lâu này.
Từ sau khi có Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT về phân cấp quản lý đối với lĩnh vực giáo dục, một số chỉ đạo về tài chính, con người, thi đua… mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ.
Điều này dẫn đến khó khăn, bất cập cho ngành Giáo dục trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng. Theo phân cấp quản lý, sở GD&ĐT chỉ tuyển giáo viên cấp THPT còn từ cấp THCS trở xuống do chủ tịch huyện quyết định. Có nơi, chủ tịch huyện sẽ giao phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với phòng Nội vụ và Tài chính, nhưng có nơi làm ngược lại.
Từ kinh nghiệm phối hợp giữa phòng GD&ĐT và phòng Nội vụ nhiều năm qua trong công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học, một cán bộ phụ trách mảng văn hóa - xã hội của phường Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) cho biết, cần có sự giám sát giữa các đơn vị trong tuyển dụng, bổ nhiệm để tránh việc tuyển dụng tràn lan hoặc thừa - thiếu cục bộ. Ngành GD-ĐT và Nội vụ phải cùng phối hợp rà soát để xây dựng chỉ tiêu biên chế trên cơ sở nhu cầu các trường học do UBND các xã, phường tổng hợp và đề xuất.
Ảnh minh họa INT.
Tạo dựng văn hóa giám sát - đồng hành
Ông Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận xét: “Không ít bất cập trước đây - từ việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá giáo viên, đến chính sách đầu tư, chế độ… bắt nguồn từ khoảng trống giám sát hoặc giám sát hình thức, thiếu độc lập. Việc một cơ quan tuyển dụng nhưng không trực tiếp sử dụng giáo viên, trong khi trách nhiệm chất lượng lại đặt lên vai là ví dụ cho thấy giám sát không rõ ràng sẽ dẫn đến rối rắm trong thực thi”.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, để Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống, cần thiết lập các hình thức giám sát đa chiều, công bằng và mang tính xây dựng.
Trong đó, với giám sát tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhà giáo, việc tuyển chọn phải gắn liền với thực tiễn sử dụng, có tiếng nói của nhà trường, được kiểm tra bởi hội đồng để tránh hình thức hóa, chạy “chỉ tiêu” hay áp lực ngoài chuyên môn. Với bổ nhiệm, điều động, đánh giá cán bộ quản lý, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn hay những người làm quản lý giáo dục cần đánh giá trên cơ sở kết quả thực chất, không bị chi phối bởi mối quan hệ hành chính đơn thuần.
“Trong giám sát đầu tư và chính sách, cần công khai, minh bạch hóa việc phân bổ ngân sách giáo dục, chế độ phụ cấp, đào tạo - bồi dưỡng nhà giáo. Giám sát tốt sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa luật và đời sống giáo viên”, ông Minh gợi mở và cho biết, để bảo vệ giáo viên khỏi áp lực phi chuyên môn, cần có ranh giới rõ ràng giữa quyền giám sát và việc lợi dụng dân chủ để công kích, gây áp lực lên nhà giáo qua dư luận, mạng xã hội. Một môi trường giáo dục lành mạnh phải đồng thời tự do và công khai, nhưng không được buông lỏng sự thật và đạo lý.
Ông Võ Văn Minh cho rằng, phải tạo dựng được văn hóa giám sát đồng hành trong thực thi Luật Nhà giáo. “Giám sát không phải để tìm lỗi, mà để bảo đảm luật thực hiện đúng, người làm giáo dục chân chính được bảo vệ, những bất cập điều chỉnh kịp thời.
Văn hóa giám sát cần đi cùng hiểu biết, công bằng và tinh thần đồng hành chứ không phải chỉ ‘truy cứu trách nhiệm’ một chiều. Chỉ khi người thầy được đánh giá công tâm, hỗ trợ đúng lúc, đứng vững trên danh dự nghề nghiệp của mình, thì giáo dục mới thật sự có thể đổi mới từ gốc rễ”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng bày tỏ.
Dù sở GD&ĐT các địa phương sẽ thực hiện bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường học nhưng vẫn có sự phối hợp của xã, phường. Đơn cử như hồ sơ bổ nhiệm cán bộ quản lý đều do Đảng ủy các xã, phường thực hiện khâu thẩm tra. Chính vì vậy, dù có sự “đổi vai” trong tuyển dụng và bổ nhiệm nhưng sự phối hợp vẫn duy trì để vừa bảo đảm đặc thù của ngành Giáo dục vừa đáp ứng phân cấp quản lý. - Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh
Hà Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song-bao-dam-cong-khai-minh-bach-post739428.html