Đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%

Đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%
2 giờ trướcBài gốc
Tác động tích cực
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, từ trước đến nay, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất phân bón nhập khẩu đều chịu thuế GTGT 10%. Số thuế này không được hoàn, mà tính vào tổng mức đầu tư, nên làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả của các dự án đầu tư sản xuất phục vụ nông nghiệp, không khuyến khích việc đầu tư vào các dự án phục vụ nông nghiệp.
Công nhân kiểm tra sản phẩm phân bón hữu cơ tại Nhà máy sản xuất phân bón Bamboo Organic. Ảnh: TTXVN
Từ ngày 1/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí sản xuất phân bón, phải tính số thuế GTGT đầu vào chi phí (Tổng chi phí thuế GTGT của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gần 1.000 tỷ đồng/năm), trong khi, giá thành sản xuất các mặt hàng phân bón tăng từ năm 2015 đến nay đều tăng mạnh. Đơn cử, giá phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%...
Thực tế này khiến giá bán thành phẩm phân bón tăng lên, nhưng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, không được khấu trừ đầu, bị phân biệt đối xử so với các mặt hàng thông thường khác. Trong khi, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế” trong đó có ngành sản xuất phân bón.
Qua tìm hiểu, trước khi triển khai thực hiện Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật số 71), các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất GTGT 5%. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Từ ngày 1/1/2015, Luật số 71 có hiệu lực, các mặt hàng này đã được chuyển thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) làm hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước; đồng thời, không đạt được mục tiêu giảm giá bán mặt hàng phân bón trên thị trường.
Vì vậy, theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ tạo điều kiện cho nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn; các nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế GTGT đầu vào, nên giá thành sản xuất giảm, kéo theo giá bán giảm. Đối với doanh nghiệp, số thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế GTGT, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, giá bán trong nước đối với mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là đầu vào của ngành nông nghiệp, tạo nguồn cung ổn định cho nông dân, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; đồng thời, ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản áp dụng thuế GTGT với phân bón nhập khẩu.
Nhiều đối tượng được hưởng lợi
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Luật Thuế VAT, trong đó đề xuất chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế VAT, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Vì vậy, thời gian qua, các bộ, ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước và các địa phương như Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang... đã liên tục kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này đang được các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất.
Cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5%, nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế VAT phải nộp, làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Thực tế, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế VAT phải nộp, nhưng tỉ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước. Mặt khác, giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo giá thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế VAT đầu vào, nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.
Mặt hàng phân bón hiện là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nhận định, khi phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp trong nước được giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, nên có dư địa để giảm giá bán phân bón từ 5,2%-7,8% do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và có điều kiện để tăng sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.
Theo thông tin của Hiệp hội phân bón, sản lượng cung ứng phân bón hiện nay khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó, sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn/năm. Do vậy, việc sửa đổi quy định mặt hàng phân bón áp dụng thuế suất GTGT 5% mặc dù có tác động đến giá nhập khẩu phân bón, nhưng quy định này sẽ góp phần thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là đầu vào của ngành nông nghiệp, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Dũng phân tích, phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT đầu ra, trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón vẫn phải chịu thuế GTGT đầu vào từ 5%-10% cho các yếu tố sản xuất. Mặt khác, nhiều mặt hàng nông sản, rau xanh trên thị trường vẫn chịu thuế GTGT 5% khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi trên thực tế, phân bón là 1 trong những yếu tố đầu vào quan trọng trong ngành trồng trọt, do đó, phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hoàn toàn hợp lý. Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này đang chịu sức ép từ 2 phía: Bị hàng ngoại nhập khẩu ép giá, do không phải trả thuế; giá thành phải tăng thêm khoản thuế đầu vào không được khấu trừ. Trên cơ sở thực tế này, kiến nghị áp thuế GTGT 5% theo quy định đã có trước đây khắc phục bất cập này.
Hiện nay, năng lực sản xuất nhiều loại phân bón của các doanh nghiệp trong nước đã dư thừa công suất, đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Đến cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi, sản lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh, cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước. Nếu tiếp tục duy trì quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT sẽ không thể kéo giá phân bón trong nước giảm, mà còn gây nên một số tác động ngược, nhất là vấn đề phân bón trong nước có thể bị cạnh tranh ngày trên sân nhà.
"Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%, doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành, dẫn tới có thể giảm giá phân bón để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, Tác dụng rõ nhất là bình ổn giá tại thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất. Khi doanh nghiệp được hưởng lợi, nhà nông dân trồng trọt cũng được hưởng lợi trực tiếp và sẽ có điều kiện để lựa chọn mua được sản phẩm phân bón chất lượng nhất và giá bán hợp lý nhất”, ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.
Thanh Vân/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/dua-mat-hang-phan-bon-thuoc-doi-tuong-chiu-thue-gtgt-5-20241031205528314.htm