Cánh tay nối dài” về vùng sâu, vùng xa
Phú Yên hiện có 21 TCTD hoạt động trên địa bàn, bao gồm 4 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 12 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Gần đây, song song với việc đầu tư phát triển ngân hàng số, cải tiến công nghệ, các TCTD vẫn chú trọng mở rộng sự hiện diện tại những khu vực khó tiếp cận, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức.
Tại huyện miền núi Sông Hinh, nơi có đến 47,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao… việc mở rộng mạng lưới ngân hàng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mới đây, Sacombank Phú Yên đã khánh thành Phòng giao dịch Sông Hinh tại thị trấn Hai Riêng với quy mô 3 tầng, tổng diện tích sàn lên đến 1.070m². Theo đại diện Sacombank Phú Yên, việc đầu tư một trụ sở khang trang không chỉ là sự khẳng định cam kết đồng hành lâu dài với địa phương, mà còn nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Ông Trần Văn Ngôn, một người dân xã Ea Bá, Sông Hinh cho biết: “Từ khi có thêm các phòng giao dịch ngân hàng ở đây, người dân chúng tôi đỡ vất vả hơn trong việc vay vốn, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Có nhiều ngân hàng cạnh tranh cũng tốt, bởi họ sẽ phục vụ mình chu đáo hơn”.
Một buổi giao dịch lưu động bằng ô tô ở khu vực miền núi của Agribank Phú Yên
Không chỉ Sacombank, Agribank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong đưa tín dụng về vùng xa ở Phú Yên. Trước đó, Agribank Phú Yên cũng đã triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, như điểm tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa - nơi vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Mỗi tháng, xe ngân hàng “hành trình” về xã hai lần, phục vụ người dân tại ba xã Ea Chà Rang, Suối Trai và Kông Pa, địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Sơn Hòa.
Tại các điểm giao dịch lưu động, người dân có thể thực hiện đầy đủ các dịch vụ tài chính từ gửi tiết kiệm, mở tài khoản, nhận kiều hối đến vay vốn. Mô hình ngân hàng lưu động này như một “cánh tay nối dài” của hệ thống ngân hàng, rút ngắn khoảng cách địa lý, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, đồng thời tăng cường sự an toàn và minh bạch trong giao dịch. Điểm đáng chú ý là các hoạt động giao dịch lưu động này còn được tổ chức kết hợp với các tổ vay vốn và các cấp hội đoàn địa phương, tạo ra sự kết nối giữa ngân hàng và cộng đồng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại các khu vực dễ bị tổn thương về tài chính.
Tín dụng ngân hàng đã và đang lan tỏa đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa.
Hướng đến mục tiêu tài chính toàn diện
Không chỉ Phú Yên, nhiều tỉnh, thành lân cận cũng đang chứng kiến sự lan tỏa của tín dụng chính thức đến tận các bản làng hay vùng nông thôn. Tại Bình Định, mạng lưới ngân hàng đang từng bước phủ rộng đến các vùng nông thôn, miền núi, nơi trước đây bị xem là “vùng trũng” của tài chính.
Một mô hình nổi bật là việc LPBank Bình Định hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã thành lập hàng trăm tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Các tổ này không chỉ đóng vai trò trung gian kết nối người dân với ngân hàng mà còn là kênh để ngân hàng nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó xây dựng các gói tín dụng “may đo” chuẩn chỉnh cho từng nhóm khách hàng.
Việc thẩm định hồ sơ và giải ngân cũng được cán bộ tín dụng của ngân hàng trực tiếp thực hiện sát với thực tế, giúp giảm thiểu rủi ro, tránh việc người dân sử dụng vốn sai mục đích hoặc bị “chìm” trong các khoản vay không kiểm soát. Đồng thời, đây cũng là cách giúp ngân hàng giữ chân khách hàng lâu dài, mở rộng mạng lưới khách hàng và giảm nợ xấu.
Việc mở rộng mạng lưới ngân hàng mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Trên thực tế, không ít ngân hàng đã triển khai các chiến lược tiếp cận tương tự, “bắt tay” với các tổ chức hội, đoàn thể để mở rộng tín dụng ở khu vực nông thôn. Hướng đi này cho thấy hiệu quả khi vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, vừa đảm bảo được chất lượng tín dụng đầu ra.
Theo đại diện chính quyền các địa phương, sự xuất hiện ngày càng nhiều ngân hàng tại khu vực nông thôn đã giúp người dân, doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong giao dịch tài chính, từ chuyển tiền, vay vốn đến thanh toán hóa đơn điện, nước. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh khiến các ngân hàng phải cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Có thể nói, mở rộng mạng lưới ngân hàng ở nông thôn không chỉ là bài toán về thị phần, mà còn là chiến lược dài hạn để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia. Một khi người dân ở những nơi xa nhất cũng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đó là lúc niềm tin với hệ thống ngân hàng được củng cố, đồng thời giúp đẩy lùi các hình thức tín dụng phi chính thức đầy rủi ro.
Nghi Lộc