Các nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục đờn ca tài tử Nam Bộ tại Trường Đại học FPT trong ngày 23 - 24/11.
Đây là chương trình hướng đến kỉ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11; đồng thời để bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ đến với các bạn trẻ và sinh viên.
Đờn ca tài tử Nam Bộ là một bộ phận trong nền văn hóa dân gian Nam Bộ, phản ánh tình cảm của con người với con người, con người với thiên nhiên, với hoàn cảnh lịch sử của từng giai đoạn. Loại hình nghệ thuật này được biểu hiện bằng những điệu thức âm nhạc, lời ca do các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo nên, rồi truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện toàn nhân loại vào năm 2013.
Trải qua trăm năm lịch sử với nhiều thăng trầm, Đờn ca tài tử vẫn thích nghi cùng nhịp sống hiện đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, đồng thời gìn giữ bản sắc dân tộc.
Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong vai trò diễn giả chương trình.
Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, sự kiện “Phương Nam cầm khúc” không chỉ mang đến không gian triển lãm, trưng bày tinh hoa của Đờn ca tài tử Nam Bộ mà còn tạo nên những hoạt động tương tác thú vị, giàu tính trải nghiệm, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Di sản này là kết tinh của công sức gìn giữ và đổi mới qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Tất cả đều phản ánh tình người, tình đất đậm sâu của vùng đất Nam Bộ. Vì vậy, với sự kiện “Phương Nam cầm khúc” không chỉ là hành trình cảm xúc về miền di sản mà còn là cầu nối để thế hệ trẻ và cộng đồng cùng nhau bảo tồn, phát huy giá trị của Đờn ca tài tử - di sản văn hóa đậm chất phương Nam.
"Ngày nay, Đờn ca tài tử vẫn được thực hành rộng rãi, hiện diện từ các lễ hội, sự kiện văn hóa - chính trị đến sinh hoạt đời thường trên khắp 21 tỉnh, thành miền Nam. Nét đặc trưng riêng biệt của Đờn ca tài tử không chỉ thể hiện tâm hồn người Nam Bộ mà còn góp phần làm phong phú giai điệu truyền thống lâu đời của Việt Nam", Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình cho biết.
Không gian triển lãm nhạc cụ, trang phục truyền thống dân tộc, thông tin lịch sử quá trình hình thành, phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Theo đó, các bạn trẻ khi đến với sự kiện sẽ được thưởng thức hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử do các nghệ nhân (NN), nghệ sĩ (NS) đến từ Ban Đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh như NNND Thanh Tuyết, NNƯT Ngọc Đặng, NNƯT Cẩm Thủy, NS Hồng Thơ, NS Thành Được; Ban Đờn ca tài tử Cội Xưa... cùng nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc, mang âm hưởng Nam Bộ như: hòa tấu bài Kim tiền Huế - Long hổ hội, Ngày mới trên quê hương, Tri ân tổ nghiệp nhạc sư, Ca ra bộ Vui xuân tiết kiệm, Dạ cổ hoài lang, tân cổ giao duyên Điệu buồn phương Nam, trích đoạn Chung sắc mai đào.
Khách đến tham gia chương trình còn được thưởng thức các loại bánh dân gian.
Bên cạnh hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử, người xem còn được thưởng thức các loại bánh dân gian mang hương vị đặc trưng của miền sông nước, tự tay sáng tạo vòng tay handmade và khám phá khu vực triển lãm giới thiệu những nét đặc sắc của Đờn ca tài tử.
Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật như nhạc cụ dân tộc, trang phục biểu diễn và thông tin lịch sử đến quá trình hình thành, phát triển của loại hình nghệ thuật này. Những hoạt động tại sự kiện không chỉ tạo không gian trải nghiệm thực tế mà còn kết nối hình ảnh di sản với thế hệ trẻ, giúp họ thấu hiểu sâu sắc và cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức