Việc ứng dụng chuyển đổi số, triển khai bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh dễ dàng tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh ngay trên điện thoại. Trong ảnh: Thực hiện các xét nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.
Sau gần một tháng Nghị quyết 57 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã xây dựng Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 23/1/2025; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24/1/2025 để triển khai thực hiện. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học - công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thể hiện quyết tâm cao trong việc chỉ đạo thống nhất các nhiệm vụ quan trọng này.
Theo ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở KH&CN, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, bước đầu Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Số (Đại học Thái Nguyên) triển khai chương trình “Bình dân học AI” cho 300 cán bộ, học viên nòng cốt cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị đang đồng loạt triển khai chương trình học tập, đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động đã ứng dụng tích cực AI trong công tác, công việc hằng ngày.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 57, Thái Nguyên có nhiều lợi thế, như: Ngay từ năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tạo tiền đề tăng tốc cho giai đoạn hiện nay. Thái Nguyên cũng là một trong những trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, trong đó Đại học Thái Nguyên có quy mô đào tạo trên 81.000 sinh viên, học viên cùng nhiều trường đại học, cao đẳng khác. Điều này giúp tỉnh có lực lượng trí thức, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tương đối dồi dào tại chỗ.
Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) áp dụng mô hình sản xuất chè hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-6:2018 và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên có lợi thế về hạ tầng và cơ sở công nghiệp: Các khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao (điển hình là Tổ hợp Samsung Electronics), đóng góp phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu kinh tế số của tỉnh. Đây chính là nền tảng thuận lợi để chúng ta thúc đẩy chuyển giao công nghệ, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và xã hội.
Với kết quả đạt được bước đầu, tỉnh Thái Nguyên đề ra những mục tiêu: Tỷ trọng kinh tế số phấn đấu đạt tối thiểu 40% GRDP; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên 90%; 85% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,75, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước; và nguồn nhân lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo đạt 15 người/1 vạn dân. Phấn đấu trên 40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng trên 55%, chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực KH&CN đạt 2% GRDP… Tầm nhìn đến năm 2045, Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao, là trung tâm công nghiệp công nghệ số của vùng và cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 57. Đồng thời, đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số và kinh tế tri thức; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và ứng dụng công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, huy động mọi nguồn lực cho phát triển...
Nông dân xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) ứng dụng khoa học - công nghệ trong khâu chăm sóc, bón phân chè.
Đặc biệt, tăng cường kết nối “ba nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp) trong các chương trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Sở KH&CN đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ, đào tạo về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên; tổ chức các hội thảo, cuộc thi khởi nghiệp hàng năm nhằm tạo sân chơi cho ý tưởng sáng tạo.
Phấn đấu hết năm 2025, Thái Nguyên sẽ có 700 doanh nghiệp công nghệ số (hiện nay có khoảng 400 doanh nghiệp) và đến năm 2030 đạt trên 3.000 doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, sản xuất nước sạch, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển KH&CN và chuyển đổi số như: Thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu tỉnh; thu hút đầu tư công nghiệp Bán dẫn; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với gần 1.600ha…
Việc triển khai Nghị quyết 57 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang diễn ra mạnh mẽ, đồng bộ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi sự đột phá về nhận thức và hành động từ các cấp, các ngành. Những kết quả ban đầu là đáng khích lệ, song chặng đường phía trước còn nhiều việc phải làm. Tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, quyết tâm giữ vững những chỉ tiêu top đầu đã đạt được và hoàn thành các mục tiêu cao hơn đã đề ra.
Đến nay, trên mạng xã hội Facebook, nhóm “Xứ Trà học AI” đã thu hút hơn 6.200 thành viên tham gia, nhóm “Xứ Trà học AI 2” thu hút hơn 15.000 thành viên tham gia, cùng nhiều nhóm khác, theo hướng dẫn của trí tuệ nhân tạo tại hệ thống LuyenAI.vn. Các nhóm đã có hàng chục nghìn bài viết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, hàng trăm nghìn lượt thích, bình luận, qua đó thể hiện sự hưởng ứng nhiệt tình, tinh thần thảo luận sôi nổi của các thành viên.
Thảo Nguyên