Đưa nghị quyết HĐND đi vào cuộc sống - Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Đưa nghị quyết HĐND đi vào cuộc sống - Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
THÁO GỠ "ĐIỂM NGHẼN", ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Do nhiều nguyên nhân, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An vẫn còn gặp khó. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề là cơ sở để đánh giá, tìm ra những giải pháp để xóa bỏ, bảo đảm các chính sách đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Giám sát các dự án đầu tư công còn vướng mắc
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, ngay từ năm 2015, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-HĐND ngày 30/10/2015 phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An (giai đoạn 1).
Dự án xây dựng Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Đến ngày 31/10/2016, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án. Trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng có quy mô 100 giường bệnh.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này là hơn 63,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 59,683 tỷ đồng, ngân sách thị xã hơn 3,688 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ ngày 11/3/2020, với tiến độ thực hiện là 4 năm.
Sau một số lần điều chỉnh, giai đoạn 1 của dự án này đã được nâng tổng mức đầu tư lên 66,315 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư vẫn giữ nguyên 59,683 tỷ đồng và nguồn ngân sách của thị xã Hoàng Mai tăng lên 6,632 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn được kéo dài thêm 1 năm (đến ngày 11/3/2025).
Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án này đã thi công hoàn thành được khoảng 95% khối lượng thi công, nhưng chưa thể đưa vào hoạt động. Việc công trình chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao sử dụng đã gây lãng phí nguồn đầu tư công.
Tại vị trí hiện nay, năm nào Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai đều phải chịu cảnh ngập lụt.
Thực hiện chương trình giám sát về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã trực tiếp khảo sát tiến độ triển khai một số dự án, trong đó có dự án xây dựng Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai, giai đoạn 1.
Có nhiều nguyên nhân khiến dự án chưa thể đưa vào hoạt động. Thứ nhất là phương án phòng cháy, chữa cháy chưa được thẩm định.
Thứ hai là các hạng mục cơ bản sẽ được xây dựng nhằm phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thế nhưng trong thiết kế ban đầu lại không có khu tập kết rác thải rắn, rác thải y tế.
Chưa kể, trong giai đoạn này đã có hạng mục nhà điều hành xử lý nước thải, thế nhưng lại chưa có hạng mục trạm điện để vận hành. Đây chính là những bất cập trong khâu thiết kế ban đầu khiến dự án rơi vào cảnh loay hoay điều chỉnh.
Trong khi đó, theo quy định, đến thời điểm này, giai đoạn 1 không thể bổ sung thiết kế. Vì thế mà các hạng mục cần thiết cho sự vận hành của Trung tâm Y tế như khu xử lý chất thải và trạm điện phục vụ cho khu xử lý nước thải phải thực hiện ở giai đoạn 2.
Việc chậm giải phóng mặt bằng đang là rào cản khiến dự án cầu Thanh Nam chưa thể đưa vào hoạt động.
Một trong những dự án thuộc vốn đầu tư công mặc dù đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng là cầu Thanh Nam qua sông Lam, huyện Con Cuông. Dự án được HĐND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 13 ngày 14/5/2020.
Theo thiết kế, cầu Thanh Nam là cầu vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài cầu khoảng 412m. Đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 1,78km. Cầu gồm 12 nhịp, mỗi nhịp 33m.
Tổng mức đầu tư dự án 168 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 15 tỷ đồng và ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 141 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách huyện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác là 12 tỷ đồng. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, dự kiến bắt đầu từ năm 2020.
Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã hoàn thành, nhưng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm đường dẫn dài 180m nối từ mố cầu phía Nam ra Quốc lộ 7A, nên dự án cầu bị chậm tiến độ.
Đối với dự án này, đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã có cuộc làm việc với huyện Con Cuông về tiến độ triển khai.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách của huyện Con Cuông, góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc chậm giải phóng mặt bằng đang là rào cản khiến dự án chưa thể đưa vào hoạt động.
Xóa "điểm nghẽn" để các dự án sớm đưa vào hoạt động
Sau khi trực tiếp khảo sát tiến độ triển khai một số công trình, dự án trên địa bàn, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc với các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh theo chương trình giám sát kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An thực tế tại dự án Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai. Ảnh Hồ Thiêm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là gần 20.915 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).
Trong đó, hơn 10.053 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương; hơn 2.328 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài; hơn 8.532 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương.
Kết quả phân bổ vốn, đến nay đã phân bổ hơn 20.796 tỷ đồng, đạt 99,44% tổng kế hoạch; còn hơn 118 tỷ đồng chưa phân bổ. Hiện có 456 dự án được phân bổ vốn từ các nguồn, trong đó có 424 dự án đã triển khai thực hiện; 16 dự án bố trí để thu hồi vốn ứng trước; 16 dự án chưa triển khai thực hiện.
Ngoài ra, kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, trong giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An được Trung ương phân bổ thực hiện 3 dự án trọng điểm, liên vùng với tổng 4.220 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trong 3 năm 2021 - 2023 với tổng vốn đã bố trí là hơn 13.436 tỷ đồng, đạt 64,24% kế hoạch trung hạn; tỷ lệ giải ngân đạt 94,27%.
Trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo của các ngành, địa phương và trực tiếp giám sát, khảo sát triển khai việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cho rằng một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đang chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Trong đó, công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình, dự án còn có những hạn chế; dẫn đến có những công trình, dự án khi đầu tư xây dựng còn thiếu các công trình, hạng mục cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả công trình, dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ở một số dự án, công trình, việc xác định đơn vị quản lý, chủ đầu tư dự án chưa hợp lý, dẫn đến điều chuyển chủ đầu tư và lựa chọn đơn vị thi công chưa đáp ứng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vẫn còn tình trạng lãng phí trong đầu tư công do áp dụng phương án thi công chưa phù hợp…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND thị xã Hoàng Mai theo chương trình giám sát chuyên đề việc 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh Hồ Thiêm.
Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của các sở, ngành đúng quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là những vấn đề tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm để chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Trong đó, chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn lực Trung ương, nguồn lực theo cơ chế đặc thù, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách các cấp….; xác định rõ các công trình, dự án trọng điểm theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; quan tâm cập nhật, bổ sung các quy định mới, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách… để đảm bảo triển khai thực hiện đúng quy định và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành tập trung bố trí vốn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai đầu tư dứt điểm các công trình, dự án kéo dài trong nhiều năm; vừa đáp ứng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh, của các ngành, vừa tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, khi một số công trình, hạng mục đã đầu tư đang xuống cấp.
Chiều 18/10/2024, tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.
* Đón đọc bài 2: Đưa các nghị quyết HĐND đi vào cuộc sống – Bài 2: Tăng cường phòng, chống tội phạm công nghệ cao
Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/dua-nghi-quyet-hdnd-di-vao-cuoc-song-bai-1-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-dau-tu-cong-204241023153017828.htm