Nhiều người dân xã Phước Dinh sinh sống bằng nghề nuôi, trồng thủy sản. (Ảnh: PV).
Mong có đất định canh, định cư
Giữa trời nắng chang chang, vị gió mặn mòi của biển Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) Nguyễn Thanh Phương lấy xe máy đưa chúng tôi đến thôn Thái An, nơi đang rục rịch di dời để nhường đất cho NMĐHN Ninh Thuận 2. Vừa chạy xe, ông Phương vừa tranh thủ chia sẻ: Vĩnh Hải là xã anh hùng, trong đó, thôn Thái An có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, người dân nơi đây nhiều lần bị xua đuổi, xóa làng. Sau năm 1975 đất nước thống nhất, Nhà nước kêu gọi người dân trở lại quê hương, lập làng sinh sống.
Ngay đầu thôn, ông Phạm Văn Phi (52 tuổi) đang ngồi hóng gió trên bộ ghế đá. Vị Phó Chủ tịch xã giới thiệu ông Phi là một nông dân điển hình của thôn, của xã. Vợ chồng ông Phi hiện có khoảng 1 hecta đất trồng nho - một diện tích lớn với mặt bằng chung của nông dân thôn Thái An. Mỗi vụ (khoảng 4 tháng), sau khi trừ chi phí phân tro, công xá, ông thu lãi được khoảng 200 triệu đồng. Vợ chồng ông có nhà lầu, xe hơi, cuộc sống dư dả.
Là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời ở vùng đất này, ông Phi hiện đang trong tâm trạng nửa mừng, nửa lo khi nghe tin cán bộ xã, huyện họp dân thông báo tái khởi động NMĐHN. Ông cho biết, gia đình rất đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước về Dự án ĐHN. Nhưng ông Phi cũng trăn trở: “Đất đai của bà con thôn Thái An ít lắm. Nhà nước làm sao tạo điều kiện để người trồng nho được đền bù thỏa đáng và được tái định canh, tiếp tục sống tốt bằng nghề trồng nho”.
Vườn nho của “lão nông tri điền” Nguyễn Văn Giỏi (67 tuổi) hiện đang trong quá trình dưỡng trái. Gia đình ông Giỏi đã nhiều đời sinh sống tại vùng đất Thái An, với riêng ông, nghề trồng nho đã gắn bó hơn 2/3 cuộc đời. Vợ chồng ông Giỏi sinh được 7 người con, tất cả theo nghề trồng nho, vừa bán cho du khách, vừa bán cho mối lái.
Hiện tại, đại gia đình ông đang canh tác hơn 1 hecta đất, tuy gọi là nhiều nhưng từ lâu, ông đã chia đều cho các con khi trưởng thành, dựng vợ, gả chồng. Tất nhiên là ông chỉ cho các con bằng miệng, bởi từ lâu, nơi đây bị tạm ngưng tách thửa, làm sổ đỏ, vay vốn ngân hàng. Ông Giỏi lo lắng: “Không biết đến khi đền bù, các con tui có được tái định cư và xét cấp đất tái định canh hay không?”. Trong ánh mắt của hai vợ chồng đã sống, trồng cấy gần cả đời bên biển, ông Giỏi chỉ mong ước các con ông được Nhà nước hỗ trợ định canh, định cư, sau đó sẽ giao lại cho Dự án ĐHN.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải Nguyễn Thanh Phương thông tin, tuy là làng biển nhưng hơn 80% số hộ dân ở thôn Thái An (khoảng hơn 600 hộ) sống bằng nghề trồng nho và xen canh hành, tỏi, hoa màu. Thổ nhưỡng của vùng đất Vĩnh Hải rất phù hợp với cây nho, nên hiện tại phải đến hàng chục loại nho đang được trồng cấy và cho năng suất tốt hơn nhiều so với các vùng khác. Nếu tính theo thu nhập trên đầu người, Thái An là thôn giàu nhất nhì của tỉnh Ninh Thuận.
Cần cung cấp thêm thông tin về Dự án cho người dân
Trưởng thôn Thái An Nguyễn Hàn (56 tuổi) đang tất bật đi cùng đoàn đo đạc, kiểm đếm đất. Ông cho biết, cả thôn Thái An có khoảng 831 hộ dân, hơn 2/800 nhân khẩu. Khi được hỏi về nguyện vọng của thôn khi phải di dời nhường đất cho Dự án NMĐHN 2, ông nói: “Chủ trương thì ai cũng ủng hộ, nhưng mong muốn của bà con là chính sách đền bù, tái định canh, định cư được thỏa đáng. Làm sao tạo công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn”. Theo Trưởng thôn Nguyễn Hàn, bên cạnh mối lo về sinh kế sau khi di dời, người dân Thới An cũng quan tâm đến môi trường, công nghệ sau khi có NMĐHN. “Cần thông tin tuyên truyền để bà con yên tâm khi sống gần Nhà máy”, ông Hàn chia sẻ.
Hiện tại, trong tổng diện tích đất thu hồi, hiện người dân vẫn đang canh tác, việc di dời người dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, kế sinh nhai. Thay mặt người dân thôn Thái An, Trưởng thôn Nguyễn Hàn bày tỏ điều mong mỏi: “Bà con thống nhất và ủng hộ gần như tuyệt đối chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ mong dự án NMĐHN có lộ trình xây dựng càng sớm càng tốt. Không để tình trạng “treo” như những năm trước”.
Dắt chúng tôi đi dọc thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng (59 tuổi) cho hay, Dự án NMĐHN 1 Ninh Thuận lấy đất của 4 thôn trong xã. Tuy nhiên, thôn Vĩnh Trường bị ảnh hưởng nhiều nhất với gần 250 hộ và khoảng 1.000 nhân khẩu.
Cũng giống như thực trạng của thôn Thái An, ông Thắng cũng khó xác định rõ số lượng của các hộ dân trong thôn Vĩnh Trường bởi thời gian trước đây, khi Dự án NMĐHN tạm dừng, các hộ dân không được làm sổ đỏ, tách thửa, xây nhà… khiến con cái ra riêng cũng không thể tách hộ được. Hàng chục năm về trước, thôn Vĩnh Trường còn có nghề nuôi ốc hương, nhưng số hộ đi biển đánh cá hiện chỉ chiếm 30%. Người dân đã lên bờ nuôi ốc, ai có vốn, đất nhiều thì làm chủ đìa (ao, hồ nuôi), còn lại đi làm công và ăn chia với chủ đìa.
Theo ông Thắng, so với thôn Thái An, kinh tế, đời sống bên thôn Vĩnh Trường không bằng, tuy vậy, nghề nuôi ốc hương khiến bà con cũng đủ ăn đủ sống. Sinh được 8 người con, hiện 6 người đã lập gia đình riêng và sống tại thôn, gần cha mẹ, ông Thắng và các con đã bỏ nghề biển, đi làm công cho một chủ đìa, mức lương một lao động từ 9 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau một mùa vụ (từ 7 - 12 tháng), chủ đìa bán ốc sẽ chia lợi nhuận khoảng 10% cho người làm công. Thuận lợi sau 2 năm, có thể dành dụm được 300 - 400 triệu đồng.
Ông Thắng kể, cuối năm 2023, khi xã thông báo các hộ dân được phép đi làm sổ đỏ, xây lại nhà cửa, các con đường trong thôn bắt đầu được làm mới, mọi người hồ hởi. Nhưng chưa đầy một năm sau - cuối năm 2024, mọi thứ tạm dừng để tái khởi động Dự án ĐHN Ninh Thuận, không ít hộ lo lắng vì chưa kịp làm sổ đỏ. Tuy nhiên, khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng của bà con trong thôn, ông Thắng cho biết, ai ai cũng đồng thuận với chủ trương xây dựng NMĐHN. Người dân Vĩnh Trường chỉ trăn trở, băn khoăn vì thông tin liên quan đến Dự án chưa nhiều. Đặc biệt, theo ông Thắng, điều người dân quan tâm nhất là công tác bồi thường hỗ trợ như thế nào, có được tiếp tục hỗ trợ cấp đất làm nghề hay được hỗ trợ chuyển đổi nghề không… “Rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ bà con trong thôn để sớm ổn định sau di dời”, vị Trưởng thôn nói.
Sau hơn 20 năm làm nghề nuôi ốc hương, ông Nguyễn Kim Phương là một chủ đìa làm ăn thành công trong thôn Vĩnh Trường. Trong căn nhà khang trang, đồ đạc nội thất sang trọng, ông Phương cho biết, mỗi năm nếu thuận buồm xuôi gió, gia đình ông cũng kiếm được gần một tỷ đồng, chưa kể tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con lối xóm. Trước thông tin sắp giải tỏa, ông nhớ lại khoảng năm 2008 - 2010 khi quy hoạch Dự án ĐHN, đìa nuôi ốc của gia đình đã được lên phương án bồi thường gần 2 tỷ đồng, chỉ còn chờ ngày lãnh tiền, nhưng rồi Dự án tạm dừng đến nay. Như bao người dân nuôi ốc hương trong thôn Vĩnh Trường, ông Phương chỉ mong được cấp đất tái định canh để tiếp tục nghề cũ.
Từ trước năm 2010, Dự án xây dựng 2 NMĐHN ở Ninh Thuận đã được quy hoạch tại hai xã Vĩnh Hải và Phước Dinh. Nhiều người dân còn nhớ, năm 2016, Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. Ở tầm vĩ mô, việc này tác động các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: giai đoạn 2010 - 2020, trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào tăng trưởng, phát triển của NMĐHN. Hạ tầng giao thông tạm ngưng nâng cấp, sửa chữa, nhà cửa không được xây dựng, đất đai bị “đóng băng”: không thể làm sổ, không vay vốn ngân hàng, không cho tặng con cái khi ra riêng để trồng cấy… Hàng nghìn con người ở các thôn trong diện quy hoạch xây dựng nhà máy cũng chịu thiệt hại, như lời bộc bạch của Trưởng thôn Thái An Nguyễn Hàn: “Người dân mất rất nhiều quyền lợi so với các địa phương khác”.
Tuy vậy, khi Dự án được Nhà nước cho phép tái khởi động và sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, người dân ai ai cũng tin tưởng Dự án sẽ nhanh chóng được triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống, biến giấc mơ ĐHN của nước ta trở thành hiện thực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Trúc Hòa:
Người dân kiến nghị 2 nội dung chính
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng như cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo trước Thủ tướng là giải phóng mặt bằng xong trong năm 2025, huyện Ninh Hải đã tiến hành khảo sát trong tháng 2/2025.
Song song với đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thu hồi đất và ban hành thông báo thu hồi đất đến các hộ dân để người dân biết việc triển khai dự án NMĐHN. Trước khi ban hành quyết định và thông báo thu hồi đất, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp dân, thông tin chủ trương NMĐHN.
Huyện đã triển khai khảo sát thông tin bằng phiếu đến các hộ dân, trên 90% người dân đồng thuận với chủ trương. Một phần do chủ trương này đã có từ lâu nên nhận được sự đồng thuận cao. Người dân chia sẻ cũng như mong muốn có cuộc sống sau này bảo đảm bằng và tốt hơn nơi ở cũ, như an sinh, chuyển đổi nghề, nơi ở mới...
Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chúng tôi thấy người dân kiến nghị 2 nội dung chính: thứ nhất là làm sao có hỗ trợ đền bù tốt nhất; thứ hai là tạo công ăn việc làm trong thời gian xây dựng NMĐHN. Bởi lẽ, việc di dời người dân đến khu vực khác, có cuộc sống ổn định hơn cũng phải mất 3 - 5 năm.
(Còn nữa)
Thục Quyên - Khánh Toàn - Duy Khương