Đua nhau lên doanh nghiệp

Đua nhau lên doanh nghiệp
15 giờ trướcBài gốc
Chị Lê Thị Thi, chủ quán cà phê tại xã Bình Hưng, TP HCM, đang đối mặt với tình hình chi phí vận hành tăng vọt trong tháng 6. Để cải thiện tình hình, chị quyết định tìm hiểu về thủ tục chuyển đổi sang doanh nghiệp mới, giúp hạch toán chi phí và khấu trừ thuế hợp lý hơn. Đây là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và thích nghi với bối cảnh thị trường hiện tại. Doanh nghiệp mới tăng vọt không chỉ là mục tiêu mà còn là xu hướng cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Doanh nghiệp mới tăng vọt
"Tiền điện tháng này gần như gấp đôi so với hồi tháng 3. Giá nguyên liệu đầu vào như cà phê, sữa, đường, trà... cũng tăng ít nhất 5%. Trong khi đó, khách của tôi chủ yếu là công nhân, sinh viên nên không dám tăng giá bán vì sợ mất khách. Bán thì vẫn đều, nhưng lợi nhuận teo tóp. Tính toán kỹ lắm mới không lỗ. Trong khi thuế vẫn tính trên doanh thu, còn chi phí thì cứ đội lên từng ngày. Tôi thực sự lo, nếu cứ tiếp diễn thế này thì khó trụ được lâu nữa" - chị Thi chia sẻ.
Chuyển sang mô hình DN, theo chị Thi, không chỉ giúp minh bạch tài chính mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn và đầu tư bài bản hơn. "Nếu thành lập DN, tôi sẽ vay vốn cải tạo lại mặt bằng, đầu tư hệ thống pha chế và trang trí theo hướng chuyên nghiệp hơn" - chị cho biết thêm.
Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều cơ sở sản xuất gia công cũng đang dịch chuyển lên mô hình DN để phát triển lâu dài. Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ một xưởng may tại phường Bảy Hiền, TP HCM, vừa hoàn tất thủ tục thành lập DN sau nhiều năm hoạt động theo hình thức hộ cá thể.
"Tôi muốn làm ăn bài bản, bền vững. Gần đây Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, như miễn giảm thuế, tiếp cận vốn vay dễ hơn... nên tôi quyết định chuyển đổi ngay thời điểm này" - chị Hằng nói.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh, tiểu thương lên doanh nghiệp để hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Ảnh: TẤN THẠNH
Song song với làn sóng chuyển đổi từ hộ kinh doanh, thị trường cũng chứng kiến sự gia nhập của nhiều DN khởi nghiệp (startup). Anh Lê Minh Trung, kỹ sư công nghệ thông tin thuộc thế hệ 9X, vừa thành lập công ty chuyên phát triển giải pháp chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các DN nhỏ. Sau hơn một năm thử nghiệm sản phẩm qua các cộng đồng làm việc tự do (freelancer), anh Trung quyết định chính thức đăng ký DN để tận dụng các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, cũng như tham gia vào các vườn ươm công nghệ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc một công ty sản phẩm tiêu dùng mới thành lập tại TP HCM, cho biết ông chọn thời điểm này để khởi sự vì chi phí đầu tư đang ở mức ổn định, trong khi nhu cầu thị trường bắt đầu hồi phục. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế và mặt bằng sản xuất đã "dễ thở" hơn nhiều so với năm trước.
Thống kê từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 91.200 DN mới được thành lập, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, có khoảng 61.500 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN "gia nhập" thị trường lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong nửa đầu năm đạt hơn 2,778 triệu tỉ đồng, tăng mạnh 89% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin vào triển vọng phục hồi đang được khơi dậy mạnh mẽ.
Riêng trong tháng 6, theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, cả nước có hơn 24.400 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 176,8 ngàn tỉ đồng, tăng 61,4% về số lượng và 12,8% về vốn so với tháng 5. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng đột biến, lên đến 14.400 DN, tăng 79,5% so với tháng trước và tăng tới 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Bà Hương nhận định dù kinh tế thế giới thời gian qua gặp nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng nhìn tổng thể, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng vẫn cao hơn số DN rút lui 1,2 lần.
Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 500 DN thành lập mới, một tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được phục hồi và củng cố. Đồng thời, con số này cũng phản ánh khả năng thích ứng nhanh nhạy, linh hoạt của DN Việt trong bối cảnh nhiều khó khăn vẫn đang hiện hữu.
Những bước đi đồng bộ
Theo các chuyên gia kinh tế, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng DN thành lập mới thời gian qua là tín hiệu tích cực, cho thấy những động lực kinh tế nội tại đang từng bước được khơi thông. Từ đầu năm đến nay, nhiều lĩnh vực như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, dịch vụ và sản xuất công nghiệp đều ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Cùng với đó, các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát và giải ngân đầu tư công cũng đạt kết quả khả quan, tạo nền tảng cho niềm tin kinh tế quay trở lại.
Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã bắt đầu đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Niềm tin thị trường có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, nhất là sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành loạt chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân khởi nghiệp.
Nổi bật là Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân - một bước đi mang tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc biệt thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đang chiếm tới 97% tổng số DN tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nhận định Nghị quyết 198 chính là "liều thuốc tăng lực" kịp thời cho khu vực tư nhân. Theo nghị quyết này, các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo. DN nhỏ và vừa được miễn thuế trong 3 năm đầu kể từ khi thành lập, giúp họ giảm đáng kể chi phí khởi sự kinh doanh.
Riêng với hộ kinh doanh, nghị quyết đặt ra lộ trình bỏ phương pháp khoán thuế từ năm 2026, thay thế bằng phương pháp kê khai minh bạch và bãi bỏ lệ phí môn bài… là những thay đổi quan trọng, giúp hộ kinh doanh an tâm chuyển đổi sang mô hình DN mà không phải lo gánh nặng thuế khóa ban đầu.
Ngoài các ưu đãi về thuế, Nghị quyết 198 còn đưa ra các giải pháp thiết thực như hỗ trợ tiếp cận đất đai, hạ tầng, hạn chế tình trạng thanh - kiểm tra chồng chéo bằng quy định không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm, khuyến khích hậu kiểm và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý DN.
"Những điều khoản cụ thể, trúng và đúng này đã tháo gỡ được những "nút thắt" lớn từng khiến nhiều hộ kinh doanh trước đây còn e ngại khi "lên đời" DN. Giờ đây, họ có thêm động lực để đăng ký chính thức, chuẩn hóa hoạt động, mở rộng thị trường và tận dụng nguồn lực hỗ trợ" - ông Hòa phân tích.
Các chuyên gia cho rằng khi DN được thành lập hợp pháp, họ mới có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chính thức, tiếp cận các chương trình đào tạo, kết nối thị trường và gọi vốn. Do đó, khuyến khích thành lập mới chính là bước đầu để đưa các cơ sở kinh doanh nhỏ ra khỏi "vùng tối", dần chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để xu hướng tích cực này không bị chững lại, cần có những bước đi đồng bộ hơn từ cấp địa phương. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ tiếp cận vốn, hạ tầng sản xuất và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chuyển đổi số.
Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông, tư vấn pháp lý, hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm đối tượng - từ hộ kinh doanh đến các startup công nghệ - về cách thức chuyển đổi mô hình và tận dụng chính sách ưu đãi. "Chính sách thì rất tốt nhưng nếu địa phương vẫn chậm cấp giấy phép, thủ tục rườm rà, cán bộ thiếu linh hoạt… thì DN vẫn gặp khó khăn và dễ nản lòng" - ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn, cảnh báo.
Đưa dòng tiền đến đúng chỗ
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội DN Xanh TP HCM (HGBA), kiến nghị cần có cơ chế đủ linh hoạt và hiệu quả để dòng tiền chảy đúng vào sản xuất, không bị lệch hướng.
Theo ông Kỳ, từ đầu năm 2025 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ tối đa nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Trong 5 tháng đầu năm, hơn 1 triệu tỉ đồng đã được bơm vào nền kinh tế qua kênh tín dụng. Lãi suất cho vay giảm, tỉ giá được điều hành linh hoạt... Tuy nhiên, thực tế cho thấy dòng vốn lại tập trung nhiều vào bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng ngắn hạn, trong khi các DN sản xuất, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay.
"Cần tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công và định hướng lại dòng tín dụng ưu tiên cho sản xuất, công nghệ xanh, nhà ở xã hội... Thay vì tiếp tục nuôi dưỡng các kênh đầu tư mang tính đầu cơ, nên ưu tiên cho các lĩnh vực tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế" - ông Kỳ nhấn mạnh.
Thanh Nhân
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dua-nhau-len-doanh-nghiep-196250709230814853.htm